Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục khó khăn chuẩn bị tốt cho năm học mới

GD&TĐ - Xác định nhiệm vụ hàng đầu là chuẩn bị mọi điều kiện cho năm học mới, ngành Giáo dục các địa phương khắc phục khó khăn, chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ… để bước vào năm học 2021-2022.

Ngành Giáo dục các địa phương chủ động khắc phục khó khăn, chuẩn bị năm học 2021-2022.
Ngành Giáo dục các địa phương chủ động khắc phục khó khăn, chuẩn bị năm học 2021-2022.

Giữ ổn định chất lượng giáo dục trong đại dịch

Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành GD&ĐT các địa phương, trong bối cảnh phải ứng phó với dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học.

Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững trước ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19, nhất là trong những tháng cuối năm học 2020 - 2021.    

Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018 bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp THCS, các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.

Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, năm học qua, tỉnh đã thực hiện số hóa trường học, tuyển sinh trực tuyến. Đặc biệt là đã hoàn thành Đề án chuyển đổi số ngành Giáo dục. Theo đó, đến năm 2025 tỉnh thực hiện số hóa tất cả trường học, từ việc sổ sách, hồ sơ, chuyên môn, nghiệp vụ…

Trước bối cảnh dịch bệnh, Cà Mau tuyển sinh đầu cấp chuyển qua hình thức trực tuyến, đảm bảo thuận lợi cho nhà trường, phụ huynh, học sinh và phòng chống dịch bệnh.

Tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tận dụng tối đa thời gian vàng lúc dịch bệnh chưa bùng phát, ngành Giáo dục thành phố đã triển khai các kế hoạch giáo dục cốt lõi. Qua đó, chất lượng giáo dục đại trà giữ vững, chất lượng mũi nhọn có bước phát triển. Đặc biệt, thành phố có học sinh đạt huy chương vàng Olympic môn Sinh học. Ngành Giáo dục thành phố đã xây dựng kịch bản, nội dung giáo dục ứng phó tình hình dịch bệnh, đặc biệt là chuẩn bị dạy học trực tuyến và trực tiếp.

Theo ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở GDKH&CN tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và cơ bản các bước chuẩn bị năm học 2021 - 2022. Sở chú ý trong việc chủ động xây dựng kế hoạch năm học. Công tác tuyển sinh vào lớp 10 đã hoàn thành.  

Để chuẩn bị Chương trình GDPT mới, tỉnh Bạc Liêu chủ động xây dựng văn bản hướng dẫn các trường đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá theo Chương trình mới. Hiện nay tỉnh tiếp tục truyền thông, tất cả các khối lớp xây dựng kế hoạch nhà trường, chuyên môn, môn học… theo tinh thần đổi mới, đáp ứng Chương trình mới.

Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, năm học qua các địa phương nỗ lực giữ ổn định chất lượng giáo dục.
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, năm học qua các địa phương nỗ lực giữ ổn định chất lượng giáo dục.

Chủ động khắc phục khó khăn

Bên cạnh thuận lợi, bước vào năm học 2021 - 2022 các địa phương cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là các địa phương phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề, phức tạp của dịch Covid-19.

Theo ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh đang diễn biến phức tạp. Các trường học được trưng dụng làm khu cách ly. Do đó, việc triển khai năm học mới gặp một số khó khăn. Bên cạnh đó, Bến Tre cũng gặp khó về biên chế giáo viên, tỉnh còn thiếu khoảng 600 giáo viên mầm non.

Tại tỉnh Cà Mau gặp khó khăn trong tuyển viên chức ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo viên. Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, mỗi năm tỉnh tuyển viên chức ngành Giáo dục 2 lần nhưng vẫn còn thiếu, như cấp THPT còn 40 biên chế chưa tuyển được. Đặc biệt là thiếu giáo viên môn GDQP-AN, GDTC, Tiếng Anh; vừa thiếu, vừa không có nguồn tuyển.

Về giải pháp, theo ông Dự, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cho phép hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên… Cụ thể, cho phép các trường thiếu giáo viên được thỉnh giảng giáo viên trường khác để đảm bảo chương trình.

Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét, có hướng dẫn cụ thể về định mức chi cho giáo viên soạn bài giảng, ghi hình khi giảng dạy trực tuyến. Tỉnh hiện đang gặp khó, không biết áp dụng theo quy định nào. Đặc biệt là chi trả cho giáo viên soạn giảng, dạy trên truyền hình vẫn chưa có quy định nào cụ thể.

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đề xuất Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể định mức chế độ làm việc cho giáo viên trung học. Vì từ năm học 2020 - 2021, năm học chỉ còn 35 tuần, nên áp dụng theo hướng dẫn trước đây sẽ gặp khó trong việc tính chế độ làm việc cho thầy cô.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành những văn bản hỗ trợ các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện nhiệm vụ trong kiểm tra đánh giá; thông tư dạy thêm học thêm; hướng dẫn thực hiện chế độ cho đội ngũ thẩm định SGK, Tài liệu GD địa phương; sớm có hướng dẫn dạy học tự chọn Ngoại ngữ 2 ở lớp 6…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.