Thừa Thiên - Huế: Sẵn sàng cho cuộc di dân lịch sử

GD&TĐ - Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên -  Huế cho rằng, đề án di dời  dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích Kinh thành Huế lần này là cuộc di dân lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay.

Ông Phan Ngọc Thọ cùng người dân đi xem nơi ở mới
Ông Phan Ngọc Thọ cùng người dân đi xem nơi ở mới

Di dời hơn 4.200 hộ dân

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai thực hiện đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích Kinh thành Huế. Theo đó, tỉnh đã lên kế hoạch để di dời 4.201 hộ dân khỏi khu vực I di tích để trả lại diện mạo Kinh thành Huế xưa và phát triển du lịch, với tổng mức đầu tư lên đến 4.097 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng.

Dự án di dời này sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ; Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài...

Trong năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hoàn thành việc di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở… Trong giai đoạn 1 của đề án, kinh phí chi trả cho dân là 1.880 tỷ đồng, chi phí xây dựng tái định cư và xây dựng thiết chế xã hội khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, tiến độ dự án khu vực I đã cơ bản hoàn thành. Khu vực 2 cũng đang được đẩy nhanh khối lượng. Dự kiến trong tháng 11/2019 sẽ kết thúc xây dựng hạ tầng để bàn giao đưa vào sử dụng.

Kiểm tra thực tế tại hiện trường ở khu tái định cư bắc Hương Sơ mới đây, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, việc di dời phải thực hiện một cách nghiêm túc, bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất cho người dân, tạo được niềm tin, tiền đề tốt cho các đợt tiếp theo...

Sáng 27/10 vừa qua, đích thân ông Phan Ngọc Thọ, đại diện sở, ban, ngành, cùng đại diện cho 200 hộ dân nằm trong diện di dời đợt 1 đã đến tham quan khu đất mới - nơi mà những hộ dân này sẽ được bố trí để tái định cư sau rất nhiều năm “sống treo” cùng di tích.

Trong buổi tiếp xúc, gặp gỡ, nhiều người dân đã bày tỏ niềm tin vào chính quyền địa phương và sự phấn khởi của họ khi được tạo điều kiện để đến một nơi ở mới khang trang với quy hoạch thiết kế hạ tầng hiện đại. Nhiều người nói rằng, có nằm mơ cũng không nghĩ một ngày gia đình được chuyển đến ở nơi có vị trí thuận lợi với hạ tầng hoàn thiện như thế này.

Chuyển đến nơi ở mới, không chỉ chấm dứt những năm tháng sống trong chật hẹp ở Kinh thành Huế mà còn mở ra một tương lai tươi sáng cho các thế hệ tiếp theo của gia đình. Chị Nguyễn Thị Sang, một trong những người sẽ được di dời đến tái định cư đợt 1 này nói, nhìn thấy đường sá, điện, nước, cống, rãnh tươm tất mà lòng vui khôn xiết. Ở đây còn quy hoạch một ngôi trường mầm non có quy mô 2 tầng, 16 phòng học cho các cháu là điều quá tuyệt vời…

Hạ tầng đã được hoàn tất
 Hạ tầng đã được hoàn tất

Ưu tiên giải quyết, bảo đảm ổn định cho học sinh

Sáng 6/11, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết, ngành Giáo dục đã nhận được Công văn chỉ đạo số 2707/UBND-GD về việc hỗ trợ về giáo dục thuộc dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế.

Cụ thể công văn nêu rõ, trẻ em, học sinh có hộ khẩu thường trú trong phạm vi giải phóng mặt bằng tại khu vực I Kinh thành Huế đang theo học tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nào thì được tiếp tục học bình thường tại trường đó cho đến hết cấp học.

Trong trường hợp phụ huynh học sinh muốn con em mình học tại nơi ở tái định cư thì UBND TP Huế ưu tiên giải quyết. Đối với học sinh chuyển cấp học sẽ xử lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, lớp học của địa phương.

Đối với trẻ em có hộ khẩu thường trú tại nơi bị giải tỏa trước thời điểm ban hành Quyết định thu hồi đất nhưng chưa đến tuổi đi học, nếu có nguyện vọng thì được học tại các trường mầm non nơi có hộ khẩu thường trú trước khi giải tỏa. Khi đến tuổi vào lớp 1, giao TP Huế xử lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, lớp học của địa phương.

Cùng với đó, Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu TP Huế tiến hành khảo sát nguyện vọng của phụ huynh học sinh để có phương án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố ngay từ năm học 2019 - 2020 bảo đảm phù hợp, chất lượng và hiệu quả.

Chung tay đóng góp vì sự ổn định của người dân

Ngày 2/11, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu đã viết thư kêu gọi ủng hộ các hộ dân nghèo thuộc dự án di dời tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế.

Trong thư kêu gọi, người đứng đầu Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế nêu rõ, “Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện Dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế, thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Chủ trương của tỉnh đã được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân quan tâm, ủng hộ.

Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân khu vực này đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn hết sức khó khăn, đặc biệt là trong quá trình di dời, tái định cư sắp tới. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ người nghèo thuộc dự án có thêm điều kiện để sớm ổn định cuộc sống”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Lê Trường Lưu, sáng 5/11, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức lễ phát động và kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng quan tâm, chia sẻ, phát huy tinh thần tương thân, tương ái tham gia ủng hộ người nghèo thuộc dự án di dân kinh thành Huế. Tham gia lễ phát động có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung; Nguyễn Văn Phương; Phan Thiên Định và hơn 90 cán bộ công chức, viên chức của Văn phòng UBND tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ