Cửa đặt đại pháo tại Đông Thành Thủy Quan
Qua nghiên cứu các nguồn tư liệu, nhất là với ảnh bản đồ và mô tả cụ thể của Ardant du Picq, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định hai cửa vòm mới phát hiện là đại pháo môn của vệ binh triều Nguyễn (cửa đặt đại pháo) tại Đông Thành Thủy Quan.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, vào một ngày đầu tháng 4 năm 1802, tức là 2 tháng trước khi làm lễ xưng đế hiệu Gia Long, chính ông đã dùng thuyền rồng đi "xem hình thế núi sông ở Kinh thành". Chắc hẳn việc khảo sát hình sông thế núi lần này là khúc dạo đầu của công cuộc kiến tạo Kinh đô Huế, mà đặc biệt là Kinh thành.
Đúng một năm sau, vào tháng 5 năm 1803, Vua Gia Long và các nhà kiến trúc trong triều bắt tay vào việc quy hoạch và chuẩn bị công cuộc xây dựng Kinh thành. Họ đã có một ý đồ to lớn, một tổ chức làm việc quy mô và một kế hoạch thi công dài hạn.
Theo Thực lục và một số tư liệu khác của triều Nguyễn, việc quy hoạch được tiến hành trong vòng 2 năm: 1803 – 1804. Các đợt thi công quan trọng nhất thì đã diễn ra từ năm 1805 đến năm 1832, rồi sau đó còn tiếp tục làm thêm một số đợt nữa thì mới hoàn tất.
Năm 1805, triều đình nhà Nguyễn đã huy động khoảng 30 nghìn dân và lính ở các tỉnh miền Trung về Huế để ngăn sông, đào hào và đắp thành sơ khởi bằng đất. Đến năm 1818 thì số lính và dân công lên đến 80.000 người. Họ bắt đầu xây gạch ốp vào mặt tiền (phía Nam) và mặt hữu (phía Tây) của Kinh thành. Còn mặt tả (phía Đông) và mặt hậu (phía Bắc) thì được xây gạch ốp năm 1822. Sau đó Vua Minh Mạng tiếp tục cho xây thêm tường bắn ở đỉnh mặt ngoài của vòng thành vào các năm 1831, 1832.
Chu vi của vòng thành xây bó bằng gạch là hơn 10km. Bề dày trung bình của thân thành là 21,5m, bao gồm bề dày của phần mô thành đắp bằng đất ở giữa là 18,5m và lớp gạch xây bó ở mặt ngoài là 2m và lớp gạch xây bó ở mặt trong là 1m. Trên thành (thường được gọi là Thượng Thành) không phải là một mặt phẳng, mà được đắp giật cấp, tạo thành 3 dải đất thấp dần kể từ ngoài vào phía Thành Nội.
Bao quanh Kinh thành Huế có 10 cửa thành, trên các mặt thành cao 6m đều có xây các pháo đài, giác bảo, pháo nhãn, tường bắn, vọng lâu... để canh gác, phòng thủ. Ở chính giữa mặt Kinh thành phía trước có Kỳ đài cao lớn, uy nghi. Kinh thành Huế là một tòa thành cổ quan trọng đã được xây dựng theo hệ thống Vauban.
Việc áp dụng hệ thống Vauban để xây dựng Kinh thành cũng như loạt thành lũy, pháo đài, đồn bảo ở nhiều địa phương trong nước cũng đã nói lên phần nào nhu cầu bức thiết về mặt phòng thủ quân sự. Đây là việc mà bộ máy chính quyền của Vua Gia Long cần phải đáp ứng trong thời hậu chiến vào đầu thế kỷ thứ 19. Nó nhằm đề phòng những bất trắc có thể xảy ra khi tình trạng an ninh quốc gia chưa hoàn toàn ổn định.
Nhiều công trình độc đáo "hiện hình"
Vauban sinh năm 1633, mất năm 1707 tại Paris. Ông nguyên là một kỹ sư công binh. Nhưng nhờ có tài năng cao trong lĩnh vực kiến trúc quân sự, ông được thăng đến cấp bậc Thống chế dưới thời Vua Louis 14. Vào hàn lâm Viện Khoa học Pháp năm 1699, ông đã đứng ra điều khiển việc sửa sang và xây dựng trên 300 đồn lũy và thành trì nước Pháp thời bấy giờ. Vì là nhà binh, cho nên các công trình kiến trúc của ông phần lớn đều nhằm vào việc phòng thủ…
Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí, triều Nguyễn đã xây dựng ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc phía trên Thượng Thành 24 pháo đài. Mỗi pháo đài đều có dược khố (hay còn gọi là hỏa khố, hay hỏa dược khố) xây bằng gạch vồ trong chứa đạn dược, diêm tiêu. Ngoài ra có nhiều pháo nhãn là nơi đặt súng đại bác để phòng thủ, hay là nơi lính hỏa mai trấn thủ.
Mới đây, khi các hộ dân được giải tỏa để di dời đến nơi ở mới, bàn giao lại mặt bằng cho di tích. Trên Kinh thành Huế đã lộ diện rất nhiều công trình phòng thủ quân sự của triều Nguyễn như hỏa dược khố tại Tây Thành Đài (phía giao đường Tôn Thất Thiệp và Lương Ngọc Quyến). Ngôi hỏa dược khố này cực kỳ đẹp và gần như nguyên vẹn được xây bởi lớp gạch vồ gần 80cm, 2 cửa vòm ra vào cao gần 1m, rộng 60cm. Bên cạnh đó là tấm bia đá khắc chữ Hán "Tây Thành Đài" cũng lộ ra.
Các hỏa dược khố ở pháo đài Tây Dực, pháo đài Nam Xương cũng lộ diện. Bên cạnh đó là hỏa dược khố cạnh Quan Tượng Đài (đài quan sát thiên văn xưa triều Nguyễn) cùng nhiều pháo nhãn ở nhiều đoạn tường thành xuất hiện rõ. Lớp tường thành 3 tầng bậc xưa là nhà dân chèn lấn nay cũng hiện hình…
2 chiếc cổng mới phát lộ có kích thước nhỏ, nằm bên phải và cửa bên trái của Đông Thành Thủy Quan, cách nhau vài trăm mét. Nó kết nối với hệ thống đường thủy của sông Ngự Hà và Hộ Thành hào, cách sông Hộ Thành (Đông Ba) để ra bên ngoài. Cổng được xây theo hình thức cổng vòm, cao khoảng 0,7m, rộng khoảng 0,6m với 7 lớp gạch có giật cấp, phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn.
Chiếc cổng có lối kiến trúc vòm 2 lớp liên kết nhau, vật liệu hoàn toàn đồng dạng với Kinh thành, hình thức mỹ thuật được chăm chút rất kỹ, rất đẹp. Theo giới chuyên môn, đây là cửa đặt đại bác phòng thủ bên phải và cửa bên trái của Đông Thành Thủy Quan, nằm trong hệ thống Kinh thành, là nơi đóng quân của lính bảo vệ Đông Thành Thủy Quan.
Theo bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khả năng 2 cửa thành này sau sự kiện thất thủ kinh đô (năm 1885) đến năm 1886, khi Pháp vào chiếm đồn Mang Cá nên không còn sử dụng nữa. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, thời Minh Mạng ghi rõ ở đây có xưởng đại bác và có vệ binh 20 người để canh giữ Đông Thành Thủy Quan.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng - Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam ở Huế - nhận định, cổng này nằm ở vị trí rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn, do gần với Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá), nơi đặt các pháo đài bảo vệ Kinh thành Huế xưa.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, họ đã ghi nhận 2 cổng thành ở trên hệ thống Kinh thành Huế từ lâu và sẽ có những giải pháp bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị.