Ngoài ra, Washington cũng áp đặt lệnh trừng phạt với Cục Phát triển Thiết bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và người đứng đầu của nó là tướng Lee Shanfu. Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hiện nay, động thái trên của Mỹ chỉ khiến Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau.
Trung Quốc - nạn nhân đầu tiên của luật CAATSA
Mặt trận chính của cuộc đối đầu địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gần đây là chiến tranh thương mại và thuế quan. Cả Washington và Bắc Kinh đều đưa ra các mức thuế mới đối với hàng hóa của nhau. Giờ đây, nước Mỹ đang mở ra một mặt trận mới - các biện pháp trừng phạt.
Cũng trong ngày 20/9, Mỹ ám chỉ rằng họ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Hồi giáo Tân Cương. Trung Quốc phản ứng với một cảnh báo cứng rắn rằng không thể chấp nhận hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ. Trong khi các biện pháp trừng phạt đối với Tân Cương vẫn chưa được thực hiện thì Washington đã tìm thấy một cái cớ khác trong chính sách gây áp lực lên Bắc Kinh.
Sử dụng luật CAATSA (Về việc chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt-ND) được thông qua cách đây một năm để áp đặt các biện pháp trừng phạt về các hành động "đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ", Washington tấn công Bắc Kinh. Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với Cục Phát triển Thiết bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và người đứng đầu của nó là Trung tướng Lee Shanfu (60 tuổi) – người đứng ra ký kết các hợp đồng mua Su-35 và S-400 của Nga.
Theo đòn trừng phạt này, Cục Phát triển Thiết bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ không được cấp phép mua hàng hóa từ Mỹ, không được giao dịch trong phạm vi chủ quyền của Mỹ và bị cấm sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ. Cục này sẽ không được tiếp cận các tài sản và lợi ích của mình nằm trong phạm vi kiểm soát của Mỹ.
Riêng với ông Lee Shanfu cũng chịu các lệnh trừng phạt tương tự, ngoài ra, ông Lee không được phép nhập cảnh vào Mỹ.
Luật pháp Mỹ cho phép áp các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các nước thứ ba, ví dụ, những người mua vũ khí Nga. Trung Quốc là nước đầu tiên hứng chịu lệnh trừng phạt này.
Theo một quan chức Mỹ (giấu tên), đòn trừng phạt theo luật CAATSA không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, nhưng nó có tác dụng như một cảnh báo cho các nước còn lại. Một số tờ báo phương Tây trích dẫn lời một quan chức Mỹ (giấu tên) khẳng định: "Mục đích của biện pháp trừng phạt là gây áp lực lên Nga để đáp trả những hành động nguy hiểm của họ ... Trong bối cảnh này, pháp luật về sự kháng cự không nhằm phá hoại nền kinh tế của một quốc gia cụ thể ... Có thể tin rằng, chúng tôi đã dành lượng lớn thời gian ở các nước khác nhau để thảo luận về viễn cảnh mua sắm hệ thống S-400 và máy bay Su với những người quan tâm đến những thứ này. Chúng tôi đã gửi cho họ thông điệp rất rõ ràng rằng các hệ thống như S-400 khiến chúng tôi đặc biệt lo ngại và có thể là nguyên nhân dẫn đến việc áp luật CAATSA".
Thật vậy, trong thời gian gần đây, Mỹ đã gây áp lực với các quốc gia có ý định mua S-400 của Nga như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Ả-rập Xê-út và Qatar.
|
Bắc Kinh và Moscow sẽ xích lại gần nhau hơn
Cả Moscow và Bắc Kinh đều cho rằng, những đòn trừng phạt của Washington là vô lý. Ngày 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố: Trung Quốc vô cùng phẫn nộ trước động thái nêu trên của Mỹ và đã gửi công hàm phản đối.
“Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực căn bản trong quan hệ quốc tế, làm ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung. Chúng tôi cực lực kêu gọi Mỹ sửa sai và hủy lệnh trừng phạt, nếu không Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả” ông Cảnh nhấn mạnh.
Cảnh Sảng cho rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh trong lĩnh vực quốc phòng.
Trung Quốc trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400. Hợp đồng được ký kết vào năm 2014 và bắt đầu sản xuất vào tháng 2 năm 2017. Việc giao hàng sẽ kết thúc vào năm 2020. Hợp đồng cung cấp 24 máy bay chiến đấu Su-35 đã được ký kết vào tháng 11 năm 2015, Bắc Kinh đã chi khoảng 2,5 tỷ USD. Việc giao hàng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
"Trung Quốc và Nga là những đối tác chiến lược thực hiện hợp tác thường xuyên trên các nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau và cùng có lợi trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Nga thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên bang Nga” - ông Cảnh Sảng khẳng định.
Hãng Ria-Novosti trích lời chuyên gia quân sự, Tổng biên tập trang web “Haixia Liang An” Bi Dianlong khẳng định: Hành động của Mỹ trong bối cảnh tranh chấp thương mại chỉ góp phần đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn nữa. Cũng theo Bi Dianlong, Bắc Kinh sẽ không chấm dứt hợp tác quân sự với Nga, kể cả khi Mỹ cấm dài hạn việc xuất khẩu công nghệ quân sự sang Trung Quốc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại hãng sản xuất máy bay Sukhoi là “một biểu hiện của sự cạnh tranh vô đạo đức".
Trên Twitter của mình, ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban lâm thời của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga về chính sách thông tin khẳng định: "Sẽ rất phức tạp cho chính quyền Mỹ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại bất cứ ai muốn mua S-400 của chúng tôi. Trên thực tế, Ấn Độ đã đưa ra quyết định, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố việc mua, Ả-rập Xê-út đang thảo luận với Moscow các chi tiết kỹ thuật của hợp đồng. Mỹ tự làm xấu đi quan hệ với tất cả các quốc gia, nếu áp dụng biện pháp trừng phạt”.
Trên Facebook của mình, Thượng nghị sĩ Nga Franz Klintsevich đã viết: "Nếu chuyện này (trừng phạt-ND) vẫn cứ tiếp diễn, Mỹ cuối cùng sẽ khôi phục toàn bộ thế giới chống lại chính họ. Tôi không nghi ngờ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ đẩy mạnh hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc lên một tầm cao mới”.