Trung Quốc “bơm” tiền vực dậy nền kinh tế

GD&TĐ - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao. Trong bối cảnh tỷ giá đồng nhân dân tệ lao dốc, để ngăn chặn nguy cơ thoái vốn ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh không có con đường nào khác là “bơm” tiền vực dậy nền kinh tế.

Trung Quốc “bơm” tiền vực dậy nền kinh tế

Cuộc chiến thương mại khiến kinh tế Trung Quốc lao đao

Rạng sáng ngày 5/7 (theo giờ Washington), 34 tỉ đô la Mỹ hàng hoá từ Trung Quốc chính thức bị Mỹ áp mức thuế 25%. Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chính thức bắt đầu.

Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp thuế 25% với các sản phẩm nông nghiệp nhập từ Mỹ. Chính phủ Mỹ đã phải dốc hầu bao khoảng hơn 10 tỷ USD để cứu trợ cho các sản phẩm nông nghiệp vốn xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Washington, đợt áp thuế lần 1 (34 tỷ USD) chưa mang lại hiệu quả, chính vì vậy Mỹ ngay lập tức áp tiếp thêm 16 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc cũng với mức thuế 25%.

Hai cường quốc kinh tế đã “ăn miếng trả miếng” vào thời điểm đại diện của họ đang tổ chức các cuộc đàm phán ở Washington. Bộ Thương mại Trung Quốc giải thích rằng, họ sẽ tiếp tục "phản công cần thiết" và có kế hoạch gửi đơn khiếu nại tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng, ông không mong đợi nhiều từ các cuộc thảo luận, trong đó có cả các cuộc gặp gỡ của các quan chức cấp thấp hơn trước đó. Việc giải quyết tranh chấp sẽ mất thời gian, "bởi vì Trung Quốc đã quá “thành công” trong một thời gian dài, và điều này cần phải loại bỏ".

Các doanh nhân ở Trung Quốc đã cảm thấy tác động của việc tăng thuế quan của Washington và đặt câu hỏi: Làm thế nào sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu một tranh chấp kéo dài với Mỹ? Ngành công nghiệp xuất khẩu, theo số liệu mới nhất đang "nguội lạnh" dần. Những lo ngại này ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực tài chính.

Chỉ số chính của cổ phiếu Trung Quốc đã lao dốc, và tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ. Các chỉ báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải cho ngày giao dịch đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/8/2014. Tại một thị trường chứng khoán nhỏ hơn ở Thâm Quyến, thương mại cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua - Tờ South China Morning Post đưa tin.

Theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc, trong tháng 7, sản lượng công nghiệp tăng 6%, doanh số bán lẻ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư tài sản cố định tăng 5,5% trong 7 tháng đầu năm 2018, thấp nhất trong gần 20 năm qua. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đã tăng từ mức 4,8% trong tháng 6 lên 5,1% trong tháng 7.

Điều làm giới phân tích quan tâm rằng căng thẳng từ chiến tranh thương mại leo thang vào lúc Trung Quốc đang nỗ lực giảm nợ và hạn chế tín dụng đen – chiến dịch chắc chắn sẽ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực cho tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, kinh tế Trung Quốc ở thời điểm khó khăn càng khó khăn chồng chất.

Bài toán vực dậy nền kinh tế thời chiến tranh thương mại

Theo tờ New York Times, khi cuộc chiến thương mại ngày càng tăng, Bắc Kinh bắt đầu hành động dứt khoát để kích thích nền kinh tế. Bộ Tài chính đang giúp chính quyền địa phương, những người đã nợ nần, vay thêm tiền vào mùa thu này. Nhờ đó, họ có thể bắt đầu làm việc trên các dự án cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Các quan chức Trung Quốc khuyến khích các ngân hàng phát hành thêm các khoản vay. Các nhà chức trách cũng giúp tăng cường nhân dân tệ và ổn định thị trường chứng khoán.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ “Nezavisimaya”, nhà nghiên cứu chính tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Alexander Lomanov, cho rằng: "Việc tăng cường bơm tiền vào nền kinh tế ở giai đoạn hiện tại của cuộc chiến thương mại với Mỹ là không thể tránh khỏi. Cho rằng, những tiêu cực có thể xảy ra như trong năm 2008 là không có căn cứ. Ít nhất cho đến bây giờ, giai đoạn này đã được ghi nhớ trong một ánh sáng tích cực. Sau đó, các nước kinh tế hàng đầu thế giới đã rơi vào khủng hoảng tiêu cực trong một vài năm, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ 6,5 - 7% mỗi năm".

Cũng theo Alexander Lomanov, nhờ chính sách bơm tiền cho nền kinh tế với các khoản vay trong năm 2008, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trong 2010 - 2011. "Nhờ có một phản ứng kiên quyết đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã xoay xở từ thứ ba trở thành nền kinh tế thứ hai của thế giới. Do đó, có lý do để tin rằng bây giờ phản ứng sẽ tương tự như vậy… Trước hết là hỗ trợ những doanh nghiệp và các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các lệnh cấm vận của Mỹ” - ông Lomanov nhận định.

Đúng, không bơm tiền thì không thể làm được gì. Nó cũng trở nên rõ ràng rằng Donald Trump không đơn thuần chỉ đấu tranh cho việc giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước. Trên thực tế, Washington đang ngăn cản cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của Trung Quốc vào giai đoạn tới - Alexander Lomanov nhận định.

Chưa hết, ông Trump tuyên bố hạn chế hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Đơn cử như quyết định ngừng bán một số linh kiện cho hãng điện thoại JTI khiến Bắc Kinh phải xuống thang cầu cứu. Hiện tại, hầu hết các sản phẩm công nghệ cao có xuất xứ từ Trung Quốc đều phụ thuộc vào linh kiện Mỹ. Giờ không có các linh kiện công nghệ cao từ Mỹ, các nhà máy của Trung Quốc có nguy cơ phải đóng cửa.

Chiến lược ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, coi đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho việc đầu tư ở Trung Quốc được hanh thông. Trong khi đó, không ít học giả Trung Quốc, điển hình như ông Hồ An Cương cho rằng: “Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đuổi kịp và vượt qua nước Mỹ toàn diện; trong đó về thực lực kinh tế đã vượt Mỹ năm 2013, khoa học kỹ thuật đã vượt Mỹ năm 2015, sức mạnh quốc gia tổng hợp đã hoàn thành vượt Mỹ từ năm 2012”.

Cụ thể, vào sáng ngày 23/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa 502 tỷ nhân dân tệ (74 tỷ USD) tiền mặt vào hệ thống ngân hàng nước này thông qua các khoản vay cho các ngân hàng thương mại. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Không khoản vay nào phát hành trước đó được dự kiến đáo hạn vào cùng ngày, chứng tỏ lần bơm tiền mới nhất là đợt mở rộng ròng của nguồn cung.

Ông Dịch Cương, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ "sử dụng toàn diện tất cả các loại công cụ chính sách tiền tệ" để bù đắp mọi sự suy giảm trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh thâm hụt thương mại Mỹ - Trung quá lớn 500/130 tỷ USD, Donald Trump khơi mào cho cuộc chiến thương mại với việc áp đặt thuế mới trị giá 34 tỷ USD, Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả 34 tỷ USD tương tự. Đợt 2, Mỹ tăng thêm 16 tỷ USD, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đáp trả 16 tỷ USD. Tuy nhiên, với 130 tỷ hàng nhập từ Mỹ, Bắc Kinh chỉ còn… 80 tỷ vốn để có thể “ăn miếng trả miếng” với Donald Trump, trong khi Washington còn những 350 tỷ USD để có thể áp thuế. Trong bối cảnh ấy, Donald Trump tuyên bố, nếu Trung Quốc tiếp tục "ngoan cố", Mỹ sẽ áp thêm 200 tỷ USD nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ