Mức thuế mới của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực

GD&TĐ - Vòng thuế trừng phạt mới nhất mà Tổng thống Donald Trump áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 24/9. Lại thêm 200 tỷ đô la tiền thuế được thực thi trong cuộc chiến thương mại đang leo thang và là rào cản cho phát triển kinh tế toàn cầu.  

Cờ Mỹ và Trung Quốc bên ngoài một cửa hàng bán hàng hóa nhập khẩu tại Thanh Đảo, một ngày sau khi Bắc Kinh công bố thêm 60 tỷ USD tiền thuế trả đũa vào hàng hóa Mỹ
Cờ Mỹ và Trung Quốc bên ngoài một cửa hàng bán hàng hóa nhập khẩu tại Thanh Đảo, một ngày sau khi Bắc Kinh công bố thêm 60 tỷ USD tiền thuế trả đũa vào hàng hóa Mỹ

Tổng thống Trump ra tuyên bố sẽ áp mức thuế tăng vào 100% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu nước này từ chối thay đổi chính sách mà ông cho là gây bất lợi cho ngành công nghiệp Mỹ, đặc biệt là hành vi mang tính “trộm cắp” công nghệ của Mỹ.

“Những vấn đề về hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rõ ràng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thịnh vượng bền vững của nền kinh tế Hoa Kỳ” - ông Trump nói trong bản thông báo thuế quan tuần trước.

“Trong việc giải quyết vấn đề thương mại này chúng tôi sẽ giành chiến thắng” - Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định với truyền thông như vậy - “Chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu buộc Trung Quốc phải hành xử theo cách mà nếu bạn muốn trở thành một thế lực toàn cầu thì câu chuyện minh bạch phải được thực thi và bạn không được phép đánh cắp tài sản trí tuệ người khác”.

Đáp trả động thái cứng rắn của Mỹ, Trung Quốc hứa sẽ thực thi các khoản thuế trị giá 60 tỷ đô la vào hàng hóa của Mỹ, nâng tổng số lên 110 tỷ USD, ước tính gần như tất cả mặt hàng mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cảnh báo, ông có thể sẽ triển khai “giai đoạn ba”, tức là áp thuế nhập khẩu khoảng 267 tỷ đô la bổ sung, hoặc toàn bộ hàng hóa mà Mỹ đang mua từ Trung Quốc.

Cuộc đối thoại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị gián đoạn. Bắc Kinh đã hủy bỏ chuyến công du của một phái đoàn đàm phán Trung Quốc dự kiến diễn ra ngày 27 - 28/9 tới Washington, theo tờ The Wall Street Journal tiết lộ.

Trước đó, các cuộc đàm phán vào cuối tháng 8 đã không đạt hiệu quả như mong đợi. Trong bối cảnh đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo về tiềm năng kinh tế toàn cầu, bao gồm việc tăng trưởng sẽ chậm lại.

“Nếu leo thang hơn nữa, thiệt hại kinh tế sẽ tác động trực tiếp cho cả hai nước và kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng sâu rộng”, phát ngôn viên của IMF Gerry Rice cho biết tuần trước.

Theo NYT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ