Việc mở toang cửa để nối mạng du lịch với thế giới là bước đi tất yếu nếu không muốn ngành du lịch nước ta chậm chân so với các nước trong khu vực. Trên lý thuyết là vậy, song trong thực tế, sự phối hợp giữa các ngành liên quan vẫn còn nhiều điểm cần phải tháo gỡ để đi đến thống nhất thì tinh thần của “mở toang cửa” mới đi vào thực chất.
Chẳng hạn như trong góp ý dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất trong vòng 24 giờ đầu, hành khách không rời khỏi nơi cư trú ngay cả khi nhập cảnh vào Việt Nam có xét nghiệm âm tính và đưa ra khuyến cáo khách quốc tế không ra khỏi nơi cư trú trong vòng 72 giờ.
Trường hợp ngày thứ 2 và 3, khách cần rời khỏi nơi cư trú phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày. Đề xuất trên vấp phải sự phản ứng từ các hãng lữ hành, vì khách đi chơi chỉ một tuần mà bị “hành” như vậy thì thà ở nhà còn hơn! Bộ Y tế đã phải điều chỉnh các quy định cho sát hợp với thực tế hơn, theo tinh thần “mở cửa nhưng phải an toàn phòng chống dịch”.
Ngay trước ngày mở cửa đón khách quốc tế vài hôm, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý khiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT&DL: “Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới; khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, trên tinh thần “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
“Thích ứng linh hoạt” chính là điều mà các ngành liên quan như Y tế, Công an cần phải sớm triển khai cụ thể để các hãng lữ hành không phải chờ đợi.
Chẳng hạn như họ mong khách nước ngoài phải được đối xử (về các biện pháp phòng dịch) như khách nội địa. Mọi sự phân biệt kèm những quy định ngặt nghèo lúc này vô tình sẽ làm cản trở đà phục hồi của ngành công nghiệp không khói này.
Thực ra, không phải đến ngày 15/3, Việt Nam mới mở cửa đón khách quốc tế mà từ ba tháng qua, một số địa phương có đặc thù về địa lý như Phú Quốc, Khánh Hòa cũng đã đón khách bằng các chuyến bay thuê bao trọn gói.
Du khách đến nghỉ dưỡng tại một khu biệt lập, không tham quan hay mua sắm suốt trong quá trình lưu trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu duy trì theo hình thức này trong việc đón khách quốc tế thì không thể phục hồi du lịch được vì số lượng du khách đi theo hình thức này quá ít.
Chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế, từ nhiều tháng qua, ngành du lịch các tỉnh cũng đã chuẩn bị các phương án, đặc biệt là các gói kích cầu và các sản phẩm mới để thu hút du khách. Các địa phương cũng đặt ra chỉ tiêu trong năm nay đón bao nhiêu khách, doanh thu từ du lịch bao nhiêu để từ đó chuẩn bị các phương án thực hiện.
Mọi thứ hầu như đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là các quy định giữa các ngành cần có sự thống nhất theo tinh thần “mở cửa nhưng an toàn” để con tàu du lịch lăn bánh được thuận tiện hơn.