Đôn đốc địa phương khẩn trương hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại Công văn số 4453/VPCP-KTTH ngày 16/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 và Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để được hướng dẫn.

Việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm

Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hai đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 4/7/2022, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh cho hay tỉ lệ giải ngân gói hỗ trợ rất thấp sau hơn ba tháng triển khai.

Tính đến ngày 4/7/2022, theo báo cáo của Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỉ đồng tại 45 địa phương.

Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỉ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí hơn 70 tỉ đồng.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, so với khoản tiền cần phải giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động thì tỉ lệ đã giải ngân được còn rất thấp. Việc thấp do nhiều địa phương chờ Quyết định 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2022 về nguồn kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số địa phương "sợ sai" nên yêu cầu thêm các xác nhận.

"Trong yêu cầu chỉ cần xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi yêu cầu cả xác nhận của chính quyền địa phương, xã, phường" - ông Thanh nói và cho biết, Bộ LĐTBXH đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về thực hiện các thủ tục.

Ngoài ra, theo ông Thanh, một số doanh nghiệp "sợ sai" nên khi lập danh sách và nộp Bảo hiểm xã hội còn chậm. Với việc này, Bộ LĐTBXH đã có yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện việc lập và nộp danh sách. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đề nghị tổ chức Công đoàn phối hợp đẩy mạnh, đôn đốc các doanh nghiệp lập danh sách để phê duyệt.

Thứ trưởng Thanh cho biết, sau khi có Quyết định 791/QĐ-TTg, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương giải ngân tiền thuê trọ cho người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.