“Đón đầu” Chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Trước yêu cầu về đổi mới GD-ĐT, đặc biệt là ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các chuyên gia hàng đầu về giáo dục nhìn nhận: Đội ngũ giáo viên chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình giáo dục mới. 

Niềm vui tới trường Ảnh Ngọc Thạch
Niềm vui tới trường Ảnh Ngọc Thạch

Vì vậy, không chỉ các cấp quản lý mà chính bản thân các nhà giáo cũng phải nỗ lực hết mình và chủ động “đón đầu” chương trình giáo dục mới.

Tiến tới quy định chuẩn đào tạo giáo viên phổ thông

Là người gắn bó sâu sắc với ngành Giáo dục, Ông Lê Quán Tần - Trưởng ban Giáo dục phổ thông Hội cựu Giáo chức Việt Nam - cho rằng: Khó khăn lớn nhất đối với việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới là về nhân lực, bao gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất như: trường lớp, thiết bị dạy học, phục vụ thực hành…

Từ thực trạng trên, ông Tần đề xuất: Về đội ngũ giáo viên, cần lập một Đề án đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức một hội nghị các trường/khoa sư phạm để triển khai chủ trương này đến các lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, trường, khoa đào tạo giáo viên của cả ba cấp học (tiểu học, THCS, THPT). Sau đó, tổ chức chỉ đạo chặt chẽ và kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở đào tạo để bảo đảm chất lượng đào tạo mới và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được đào tạo từ trước.

“Mặt khác, cần khảo sát thực tế việc tự chọn của học sinh để tính toán nhu cầu giáo viên THPT về số lượng theo môn học, hoạt động giáo dục. Cần tiến tới quy định chuẩn đào tạo giáo viên phổ thông lên trình độ đại học theo định hướng tại Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và theo hướng giáo viên cấp THCS và THPT được đào tạo dạy 2 môn như một số nước châu Âu đã áp dụng” – ông Tần nhấn mạnh.

Còn theo GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành: Nếu theo bản Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các môn học tự chọn bắt buộc và tự chọn tính chung số học sinh tham gia xấp xỉ trung bình cố định, nhưng với từng trường là con số biến động nên rất khó bố trí giáo viên hoặc không có giáo viên. Vì vậy nên tùy theo từng trường, từng điều kiện giáo viên để xác định môn học và học sinh đăng ký trong môn đó. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình, đặc biệt là môn học mới, môn tích hợp sẽ rất khó khăn. Do đó nên áp dụng hình thức cuốn chiếu như trong dự thảo. Cần đưa ngay vào trong các trường, khoa sư phạm chương trình đào tạo mới.

Bắt nhịp với chương trình mới

Cũng là người theo dõi từng bước đi của ngành Giáo dục, đồng thời là ủy viên Thường vụ Hội cựu Giáo chức Việt Nam, tiến sỹ Lê Minh Hà - Ủy viên Thường vụ Hội cựu Giáo chức Việt Nam - phân tích: Để thực hiện Chương trình Giáo dục dục phổ thông mới, thiết nghĩ việc đầu tiên là chúng ta cần bổ sung về giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở cấp Sở và Phòng GD&ĐT. Bổ sung ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng bao gồm: Bổ sung cả về chất lượng và số lượng. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xem họ còn thiếu và còn yếu ở điểm nào thì lấp đầy cho họ ở đó. Với những địa phương, trường học nào còn thiếu về đội ngũ nhà giáo thì phải tổ chức tuyển dụng dựa trên các tiêu chí, mục đích của chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Song thiết nghĩ, đội ngũ các nhà giáo cũng cần chủ động chuẩn bị hành trang cho mình để có đủ năng lực nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu của chương trình mới. Nói cách khác, các thầy, cô giáo cần “đón đầu” chương trình mới và tự hoàn thiện, phát triển năng lực sư phạm, để khi chương trình mới chính thức được ban hành sẽ không bị bỡ ngỡ và lúng túng, thậm chí có thể bắt nhịp được ngay” – tiến sỹ Lê Minh Hà chia sẻ.

Liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục - nhìn nhận: Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chỉ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ khi họ chính là người học thường xuyên và suốt đời. Theo đó, cần thay đổi nhận thức và hành động của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về học tập phát triển năng lực nghề nghiệp liên tục.

Cần làm cho từng giáo viên hiểu rằng thay đổi chính là sự sống còn nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đương nhiên để có nhận thức cũng như hành động của mỗi giáo giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cần có hàng loạt chính sách cũng như hỗ trợ và điều kiện kèm theo. Việc tự học, tự bồi dưỡng phải được đưa thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học của từng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, giám sát, đánh giá kết quả tự học, tự phát triển nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục từ đồng nghiệp, từ tổ chuyên môn, từ nhà trường.

Bên cạnh đó, các trường chủ động trong tổ chức lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán, bồi dưỡng tại chỗ cho giáo viên với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn. Việc học tập không chỉ là cử đi tập huấn mà là sự trao đổi nghiệp vụ, học hỏi thường xuyên, liên tục từ đồng nghiệp trong trường và ngoài nhà trường. Xây dựng văn hóa học tập trong nhà trường để giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có thể học tập mọi nơi, mọi chỗ trong trường.

Đồng tình với các quan điểm trên, GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – cho rằng: Chương trình giáo dục phổ thông mới có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào đội giáo viên. Đây được coi là một trong những lực lượng chính, là điều kiện tiên quyết để chương trình đi vào thực tiễn. Vì thế, công tác bồi dưỡng cho đội ngũ này phải được thực hiện sớm, nghiêm túc và song hành với Chương trình giáo dục phổ thông mới.q

“Riêng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuyển công tác cho nhà giáo đương chức cần lưu ý: Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phải phù hợp với chương trình mới. Mặt khác, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo lại những giáo viên chưa đủ tiêu chuẩn về năng lực và kiến thức sư phạm. Với một số giáo viên còn hạn chế có thể bố trí chuyển công tác hoặc tạo điều kiện để họ được về hưu sớm nếu đủ điều kiện” -GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ