Việt Anh đang quản lý hơn 100 khách hàng cá nhân vay trả góp và vay hạn mức tại một chi nhánh của Sacombank. Bàn làm việc của cô những ngày này ngổn ngang các tệp hồ sơ có tên "cơ cấu nợ".
Cô cho biết, trước đây việc khách chậm trả nợ hàng tháng rất ít nhưng nay thì khá nhiều người bắt đầu quá hạn 7-9 ngày. Trong số này, có người làm nghề lái xe chở học sinh, bán buôn túi du lịch... mất thu nhập vì không có việc làm, nên họ thực sự khó khăn và cần được giúp đỡ.
Chị Thanh Nhàn (Hà Nội) là một ví dụ. Chị cho biết hai vợ chồng, người làm giáo viên mầm non trường tư, người làm đại lý du lịch, mất hơn nửa thu nhập vì nghỉ ở nhà hai tháng nay. Từ cuối tháng 3, chị xin được giảm lãi vay hoặc lùi hạn trả nợ cho khoản vay trả góp mỗi tháng hơn 15 triệu đồng và tới nay vẫn đang chờ hồ sơ được duyệt.
Sau khi rà soát hồ sơ tín dụng, Việt Anh đề xuất lên cấp trên và một vài khách hàng của cô đã được giảm lãi, lùi thời hạn trả nợ gốc 3-6 tháng hoặc giãn nợ...
Việc này không chỉ diễn ra ở ngân hàng Việt Anh làm mà đang là xu hướng tại nhiều nhà băng khác bởi số lượng khách hàng khó khăn đang ngày một tăng.
Mới đây, Kienlongbank thông báo giảm số tiền lãi phải trả lên đến 25% cho người vay trả góp theo ngày có thu nhập bị ảnh hưởng vì Covid-19. Đối tượng chính được hỗ trợ là người có thu nhập thấp như bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ... có khoản vay trước 1/4 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ ngày 3/4 đến ngày 30/6.
Tương tự, từ đầu tháng 4, người vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương tại BIDV cũng được giảm lãi suất đến 1% một năm nếu thu nhập bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Còn với những lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng từ Chính phủ, nhà băng này sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời chưa thu gốc và lãi đến hạn trong thời gian còn dịch.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank... cũng đang giảm lãi suất cho vay 1-2% hoặc giãn, lùi thời hạn trả nợ cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và thuộc diện được tái cơ cấu.
Trong tình hình hiện nay, hầu hết khách hàng đều cho biết gặp khó khăn và mong được giảm lãi hoặc lùi hạn trả nợ. Nhưng các ngân hàng thừa nhận rằng không thể đáp ứng yêu cầu của tất cả. Bởi trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ những người thực sự khó khăn. Chưa kể, hồ sơ để xin giảm lãi cũng phải qua rất nhiều cấp và thủ tục xét duyệt của ngân hàng.
Do không thể "cứu" tất cả nên hầu hết các ngân hàng đang xem xét hỗ trợ cho người lao động dựa trên hai yếu tố: bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến không có khả năng trả nợ và chứng minh được khả năng phục hồi sau dịch.
Người lao động theo hợp đồng và có sao kê lương, giấy tờ, thông báo của công ty chứng minh thu nhập sụt giảm mạnh, hoặc làm trong ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch như du lịch, vận tải... sẽ dễ được phê duyệt hồ sơ. Còn lao động tự do hoặc kinh doanh không chứng minh được thu nhập giảm mạnh và cũng không thuộc lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp, rất khó để được cơ cấu khoản vay.
Trao đổi với VnExpress, giám đốc của một ngân hàng cổ phần cho rằng vì nguồn lực có hạn nên nhà băng khuyến khích các khách hàng "khó khăn ít" trước hết cố xoay xở đến cùng và ưu tiên hỗ trợ những người gặp "khó khăn nhiều". Hơn nữa, các ngân hàng cũng phải tính đến khả năng thu hồi các khoản đã cho vay khi dịch kết thúc.