Dạy học trên vùng đất khó
Tại xã biên giới Chiềng Khương (huyện Sông Mã - Sơn La), trường học có sân chơi với những chiếc bập bênh, đu quay, cùng thác nước và muông thú vẽ trên tường đầy màu sắc luôn là mơ ước, mong muốn của những đứa trẻ.
Cô Đỗ Thị Lanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Chiềng Khương) cho biết: Trường thuộc vùng khó nên thiếu thốn về cơ sở vật chất, vẫn còn phòng học tạm, sân chơi các điểm trường chưa bảo đảm, thậm chí thiếu thốn. Trường Mầm non Hoa Hồng có 15 điểm trường, duy nhất điểm trung tâm có sân chơi với một số bập bênh, đu quay, các tiểu cảnh giáo dục… 14 điểm trường lẻ vẫn trong tình trạng cảnh quan sư phạm đơn sơ, thiếu đồ chơi ngoài trời, bồn hoa cây cảnh chưa được xây dựng…
Đáng nói, trường thuộc vùng khó, hơn 60% học sinh (HS) dân tộc, cha mẹ làm nông, một số HS dù nhỏ tuổi nhưng ông bà phải nuôi nấng dạy bảo hàng ngày vì bố mẹ đi làm xa. Việc huy động kinh tế, sức lao động để xây dựng trường lớp rất khó khăn, thậm chí không thể. Về phía nhà trường, nguồn kinh phí cũng eo hẹp. Vì vậy, Ban Giám hiệu cùng giáo viên nhà trường dù có nhiều mong muốn, ý tưởng xây dựng khung cảnh sư phạm tốt hơn, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho việc dạy học đầy đủ hơn cũng không thể hiện thực hóa.
Đứng trước đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục, Ban Giám hiệu quyết tâm xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp ở tất cả 15 điểm trường. Những bãi đất trống, cây cỏ mọc um tùm… phải được loại bỏ để thay thế bằng khung cảnh sư phạm… “Chỉ như vậy, HS mới có cơ hội trải nghiệm và học tập mọi lúc mọi nơi, tìm hiểu thiên nhiên, vận động phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Dần thu hẹp khoảng cách, sự thiệt thòi giữa HS vùng biên giới khó khăn với miền xuôi, huy động tối đa trẻ ra lớp…”, cô Lanh khẳng định.
Sẻ chia cùng giáo dục
Hơn 60 ngày công lao động dưới thời tiết nắng gắt, mưa rừng và làm cả vào ngày nghỉ… các lực lượng đã cùng nhau hoàn thành xong nhiều hạng mục công trình cho 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng. Trong đó, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương đóng vai trò quan trọng, vừa hỗ trợ về kinh phí mua nguyên vật liệu vừa giúp đỡ ngày công.
Tại điểm trường Bản Là, GV đưa ra ý tưởng xây dựng cảnh quan khuôn viên, các chiến sĩ biên phòng cùng đoàn thanh niên xã tận dụng nguyên vật liệu có sẵn như lốp xe, sắt thép phế thải… để tạo ra những chiếc cầu trượt, bập bênh, đu quay, cầu thang… cho HS. Tại điểm trường Tiên Sơn, các lực lượng cùng nhau xây dựng một số tiểu cảnh, tạo bồn hoa, láng sân trường… Sau khi hoàn thành, điểm trường như được khoác áo mới.
Trong niềm vui, cô Đỗ Thị Lanh khẳng định: “Sự hỗ trợ của các lực lượng, đặc biệt của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương vô cùng quan trọng với nhà trường. Môi trường học tập xanh, sạch, đẹp không chỉ giúp HS có sân chơi bổ ích, an toàn, hứng thú mà góp phần quan trọng vào việc huy động trẻ ra lớp đầy đủ”.
Thượng úy Trần Huy Thọ - Phó Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, người tham gia trực tiếp việc xây dựng công trình tại 2 điểm trường của Trường Mầm non Hoa Hồng chia sẻ: Những người lính Biên phòng đều trải qua việc xây dựng, sửa chữa nên bắt tay vào công việc không khó khăn. Ai thạo việc gì phát huy việc đó. Chính vì vậy từ việc láng sân trường, xây dựng khuôn viên, uốn sắt thép làm đồ chơi ngoài trời… đều được tiến hành nhịp nhàng, hiệu quả.
“Được tham gia vào hoạt động này, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương cảm thấy vui mừng và ý nghĩa. Một phần công sức của chiến sĩ đã giúp HS nghèo nơi biên giới có thêm điều kiện để học tập. Ngoài hỗ trợ về công sức lao động, chiến sĩ còn huy động thêm kinh phí để mua nguyên vật liệu…”, thượng úy Trần Huy Thọ kể.
Trung tá Hoàng Văn Giáp - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiếng Khương cho biết: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ chiến sĩ đã tham mưu, phối hợp tích cực với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương đã giúp đỡ người dân biên giới Chiềng Khương nhiều chương trình thiết thực như: Hũ gạo tình thương; Nâng bước em đến trường; mô hình Con nuôi đồn Biên phòng...