‘Đòn bẩy’ thoát nghèo của đồng bào Vân Kiều ở Quảng Trị

GD&TĐ - Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, vay tín dụng chính sách, nhiều gia đình Vân Kiều ở Đakrông (Quảng Trị) có cuộc sống khấm khá.

Từ cặp dê giống ban đầu, nhờ kiên trì chăm sóc nên đàn dê của anh Hoan liên tục tăng trưởng.
Từ cặp dê giống ban đầu, nhờ kiên trì chăm sóc nên đàn dê của anh Hoan liên tục tăng trưởng.

Đakrông là huyện miền núi, điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn nhất tại Quảng Trị. Những năm qua, nhờ tập trung nhiều nguồn lực, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Hỗ trợ cây, con giống cho bà con

Những năm gần đây, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã ưu tiên nhiều nguồn lực hỗ trợ người dân miền núi. Từ các nguồn hỗ trợ, người dân Vân Kiều đã đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi nên kinh tế có nhiều đổi thay.

Trước đây, đời sống của gia đình anh Hồ Văn Hoan (SN 1983, trú ở thôn Ka Lu, xã Đakrông, huyện Đakrông) gặp nhiều khó khăn. Hai vợ chồng chủ yếu làm nương rẫy nên không đủ nuôi con ăn học. Khoảng năm 2017, gia đình anh và một số hộ khác trong thôn được xét chọn hỗ trợ cặp dê giống theo chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế.

e262efbd69a4ccfa95b5.jpg
Gia đình anh Hoan đã phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo.

Sau 7 năm, nhờ kiên trì chăm sóc và áp dụng kỹ thuật trong phòng dịch, đàn dê của anh Hoan liên tục được nhân lên. Đến nay, tổng đàn dê của gia đình có gần 25 con.

Theo anh Hoan, mỗi năm gia đình bán khoảng 10 con dê thịt, giá 2 triệu đồng/con. Đặc biệt, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, do cần phát triển thêm số lượng dê sinh sản nên anh chỉ xuất bán 7 con dê thịt, với giá trị 14 triệu đồng.

“Từ khi nuôi dê, kinh tế gia đình đỡ vất vả hơn, nguồn thu nhập ổn định. Mỗi khi cần đều có dê bán để trang trải cuộc sống”, anh Hoan chia sẻ.

Anh Hồ Hiên, Trưởng thôn Ka Lu cho biết, thông qua các chương trình giảm nghèo, nhiều hộ dân được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế. Trong đó, thôn Ka Lu có 15 hộ dân được hỗ trợ dê giống. Nhờ đó, đời sống nhiều hộ được nâng lên đáng kể.

Ông Hồ Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết, những năm qua, thông qua các chương mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, huyện Đakrông đã ưu tiên bố trí nguồn vốn để giúp người dân đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế nên cuộc sống có nhiều nét cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo theo rà soát đến cuối năm 2023 khoảng 51,4%, hộ cận nghèo chiếm 7,8%.

Nguồn vốn từ các chương trình tập trung xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, sửa chữa đường giao thông...

Ông Thanh cho biết, từ năm 2023 đến nay đã xây dựng mới gần 170 căn nhà cho hộ nghèo, cơ bản thực hiện hiệu quả việc xóa nhà tạm bợ cho người dân. Việc hỗ trợ cây con giống cho người dân đã mang lại hiệu quả, nhiều hộ có kinh tế ổn định, khấm khá hơn. Địa phương cũng quan tâm mở các lớp đào tạo nghề, lớp trồng trọt chăn nuôi cho bà con.

Tín dụng chính sách “bà đỡ” cho người nghèo

Khi mới lập gia đình, anh Hồ Văn Quang (trú tại thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) cũng thuộc diện nghèo tại địa phương. Gia đình anh có 3 nhân khẩu, dựa vào làm nương rẫy nhưng không đủ sống.

Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức, anh Quang quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Năm 2016, anh Quang tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Được Ngân hàng CSXH huyện Đakrông cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình anh Quang mua 1 con bò giống và trồng khoảng 3 ha rừng tràm. Sau 5 năm chăn nuôi bò, sản xuất trồng rừng, nhờ làm ăn hiệu quả, kinh tế gia đình ổn định. Anh Quang bán một phần bò và rừng tràm trả hết nợ cho ngân hàng. Hơn nữa, anh còn làm được nhà để ở, gia đình đã thoát nghèo.

729540fa3f0f9d51c41e.jpg
Nhiều hộ gia đình ở huyện Đakrông tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để đầu tư vào sản xuất.

Đến năm 2022, anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư trồng tràm và mở rộng chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh sở hữu 5 con bò và 5 ha rừng tràm. Tổng tài sản khoảng 250 triệu đồng. Mỗi năm gia đình anh Quang thu nhập khoảng từ 80 đến 100 triệu đồng.

Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đã có những thay đổi rõ rệt, nhà cửa khang trang, đời sống no đủ. Ba đứa con nhỏ của anh Quang được đến trường, đảm bảo tốt trong việc học tập.

Gia đình anh Quang được coi là điển hình trong sản xuất, chăn nuôi giỏi tại địa phương và thoát nghèo vươn lên thành hộ khá tại xã Hướng Hiệp.

“Bản thân tôi biết ơn Đảng, Nhà nước đã có những chính sách vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số như gia đình tôi được tiếp cận vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”, anh Quang cho hay.

Theo ông Ngô Văn Bảo - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đakrông: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, ngân hàng đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn kịp thời.

Thời gian qua, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, thực hiện chỉ đạo của địa phương, Ngân hàng kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội. Trong 6 tháng năm 2024, doanh số cho vay đạt gần 80 tỉ đồng.

Hiện nay, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo ở huyện miền núi Đakrông đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh, làm nhà ở, nhiều học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải việc học tập, lao động là con em hộ nghèo vay vốn để tham gia lao động nước ngoài...

Thời gian tới, hoạt động tín dụng chính sách xã hội sẽ tiếp tục đi sâu vào cuộc sống bà con nông dân để phát triển sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần hỗ trợ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Đakrông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.