Người dân miền núi Quảng Trị thoát nghèo nhờ trồng cà phê sạch

GD&TĐ - Nhờ tham gia vào chuỗi liên kết trồng cà phê sạch, mang đến nguồn thu nhập cao cho người trồng cà phê ở huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị.

Người dân Vân Kiều ngày càng ý thức hơn việc trồng cà phê sạch để nâng cao chất lượng.
Người dân Vân Kiều ngày càng ý thức hơn việc trồng cà phê sạch để nâng cao chất lượng.

Thay đổi canh tác trồng cà phê sạch

Những năm gần đây, nhiều người dân Vân Kiều ở Quảng Trị mạnh dạn tham gia các tổ liên kết, HTX trồng cà phê sạch để tạo ra những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, góp phần gia tăng giá trị cây cà phê, đem lại nguồn thu nhập khá cao.

114882d20c38ae66f729.jpg

Nhiều sản phẩm cà phê đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao.

Khoảng 6 năm trước, chị Hồ Thị Rường, ở thôn Bụt Việt (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) bắt đầu bén duyên và canh tác cây cà phê. Hai vợ chồng chị Rường trồng và chăm sóc hơn 1ha cà phê, nhưng do không nắm vững kỹ thuật, đầu tư ít nên cây phát triển kém, năng suất không cao.

Từ năm 2021, chị Rường và nhiều hộ dân Vân Kiều ở xã Hướng Phùng tham gia vào chuỗi sản xuất cà phê sạch của Hợp tác xã (HTX) nông sản Khe Sanh. Nhờ đó, không chỉ thay đổi về nhận thức, phương thức canh tác, mà hiệu quả mang lại rất rõ rệt.

“Tham gia HTX trồng cà phê, hội viên có nhu cầu được hỗ trợ giống cây và mua phân bón với giá ưu đãi. Ngoài ra, các hội viên được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê rất cụ thể từng công đoạn bón phân, tỉa cành, hái quả. Tham gia chuỗi sản xuất, cà phê của hội viên được mua với mức giá ổn định”, chị Rường cho hay.

Theo chị Rường, sau khi nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, năng suất tăng lên đáng kể. Với 1ha cây cà phê cho sản lượng từ 7-8 tấn, thu nhập gần 70 triệu đồng. Nhờ nguồn thu đó, gia đình chị Rường đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học.

“Tham gia HTX sản xuất cà phê, người dân ý thức được việc trồng cà phê sạch, nên giá trị cây cà phê tăng lên, bà con không lo lắng về đầu ra sản phẩm”, chị Rường chia sẻ.

bd298b6f0685a4dbfd94.jpg

Người dân miền núi được hướng dẫn cách chăm sóc, thu hái cà phê đảm bảo quy trình.

Anh Hồ Văn Yên, Trưởng thôn Bụt Việt (xã Hướng Phùng) cho biết, hiện địa phương có hơn 50 hộ dân tham gia các tổ nhóm liên kết, HTX sản xuất cà phê. Khi tham gia vào chuỗi sản xuất cây cà phê, người dân cũng nhận được một số quyền lợi nhất định. Người dân được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, được hỗ trợ mua cây giống và phân bón với giá ưu đãi. Ngoài ra, bà con được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định.

"So với trước, người dân trồng và chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật hơn nhờ được hướng dẫn bài bản, sự hiểu biết nâng lên. Giá cà phê sau thu hoạch được bán ổn định hơn, nhờ đó thu nhập tăng lên”, anh Yên cho hay.

Gia đình anh Hồ Văn Yên canh tác hơn 1,5ha cà phê. Sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt từ từ 8-10 tấn, giá bán từ 8-10 nghìn đồng/kg.

Sản xuất cà phê chất lượng để nâng cao giá trị

Để hình thành chuỗi sản xuất cà phê chất lượng, HTX Nông sản Khe Sanh liên kết với nông dân để trồng, chăm sóc và tiêu thụ cà phê, chế biến thành 2 sản phẩm OCOP 4 sao, bao gồm Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica và Khe Sanh Coffee dạng hạt rang, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

HTX Nông sản Khe Sanh hiện có 30 thành viên chính thức và 115 thành viên liên kết, trong đó có 7 tổ nhóm hoạt động cùng nhau xây dựng chuỗi cà phê sạch, khép kín với tổng diện tích trên 130ha, sản lượng hàng năm đạt trên 1,8 nghìn tấn.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh cho biết, với phương châm mang đến cơ hội và công việc cho những nông dân nghèo, người đồng bào dân tộc, HTX đã dành những ưu tiên nhất định để những người dân trên tham gia vào chuỗi sản xuất.

Bà con được tập huấn quy trình trồng, chế biến cà phê sạch hữu cơ, được ký kết thu mua theo nhóm hộ nông dân. Từ đó, hướng tới tăng thu nhập cho người trồng và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

dbf197b21a58b806e149.jpg

Tham gia vào chuỗi liên kết với HTX nhằm ổn định đầu ra cho người dân trồng cà phê. HTX hợp đồng thu mua sản phẩm cho bà con, với điều kiện cà phê được sản xuất theo đúng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê sạch.

“Để thay đổi tập tục canh tác của bà con rất khó. HTX phải phối hợp các cơ quan ban ngành tuyên truyền thu hái cà phê chất lượng, đủ độ chín, không lẫn tạp chất. Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thì bà con mới thay đổi tập tục canh tác. Đặc biệt, qua các đợt tập huấn, người dân nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất cà phê chất lượng cao. Bà con hiểu được muốn bán được giá cao phải sản xuất cà phê an toàn, sạch sẽ. Sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng chất hóa học”, bà Hằng cho hay.

Theo bà Hằng, sản xuất cà phê sạch sẽ nâng cao sản lượng, tăng chất lượng. Hiện nay bà con trồng cà phê sạch nhiều. Hơn nữa, làm cà phê chất lượng cao, cà phê sạch thì thu nhập cũng cao hơn so với trước, chênh lệch gần 70-80 triệu đồng, có khi lên tới 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là cần thúc đẩy đầu ra để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, HTX Nông sản Khe Sanh đã ký hợp đồng tiêu thụ với 5 doanh nghiệp. Sản phẩm cà phê của HTX Nông sản Khe Sanh còn có mặt tại nhiều hệ thống bán lẻ và đại lý tiêu thụ trong nước.

“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao từ sản phẩm Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica và liên kết với các tổ nhóm để làm chuỗi cà phê nông lâm kết hợp. Sản phẩm OCOP 5 sao sẽ là cơ hội để nâng tầm và đưa cà phê Quảng Trị ngày càng vươn xa, có giá trị cao hơn”, bà Hằng cho biết.

c826a994277e8520dc6f.jpg

Những sản phẩm ra đời từ việc liên kết với nông dân.

Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) cho biết, hiện địa phương có 4 Hợp tác xã và 1 tổ hợp tác sản xuất cà phê. Các hộ dân tham gia HTX tự nguyện, để giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm cà phê. Cà phê được liên kết bao tiêu, giá cả ổn định hơn.

Theo Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, trước đây giá cà phê rất bấp bênh. Đặc biệt, có giai đoạn cà phê xuống rất thấp trong nhiều năm liền nên bà con có xu hướng giảm dần diện tích, thu nhập giảm xuống. Giá thấp cũng do nhiều nguyên nhân, một phần vì bà con chưa quan tâm đầu tư. Từ đó, chất lượng cà phê đi xuống.

Thế nhưng, sau đó bà con ý thức được vấn đề làm cà phê chất lượng cao, đặc biệt việc người dân tham gia các chuỗi liên kết, HTX cà phê đã cải thiện thu nhập. Năm trước, cà phê có giá 10-12 nghìn đồng/kg, loạt cà phê chất lượng đến 17-18 nghìn đồng/kg nên bà con có động động để đầu tư chăm sóc cà phê.

“Cây cà phê được tỉnh Quảng Trị xác định là 1 trong 6 cây chủ lực phải duy trì diện tích ổn định. Với xã Hướng Phùng, sau quá trình chuyển đổi cây trồng nhưng hiệu quả mang lại không cao. Tuy nhiên, cây cà phê là cây trồng truyền thống, cũng là cây chủ lực tại địa phương. Nếu bà con đầu tư thâm canh và nâng cao năng suất, chất lượng thì thu nhập vẫn ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo. Những năm gần đây, cà phê Hướng Phùng và cà phê Khe Sanh đạt chất lượng cao, tạo thương hiệu tốt, có những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Cà phê là cây công nghiệp chủ lực của huyện Hướng Hóa. Diện tích cây cà phê hiện khoảng 3.700ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Sơn, thị trấn Khe Sanh.

Để thúc đẩy ngành hàng cà phê Quảng Trị phát triển, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết.

Không chỉ có giá trị xuất khẩu, cây cà phê còn góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân, nhất là cộng đồng người đồng bào dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số.

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

GD&TĐ -Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc đào tạo nhân lực số ngày càng đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.