'Đòn bẩy' để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghệ thuật biểu diễn truyền thống không chỉ là nguồn vốn di sản, mà còn là chất liệu bền vững để Hà Nội phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Hà Nội có nhiều tiềm năng để phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Hà Nội có nhiều tiềm năng để phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

“Có bột mới gột nên hồ”

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” đặt ra mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Đến năm 2045, công nghiệp văn hóa là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển.

Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Hà Nội với nền tảng lịch sử của đất Kẻ Chợ, trải qua 11 thế kỷ kể từ khi Lý Thái Tổ chọn đất định đô, cùng những biến thiên thời cuộc đã hình thành lớp “phù sa văn hóa” khiến cho Hà Nội hôm nay ẩn chứa nhiều tiềm năng mà không địa phương nào có được.

Trong 12 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa được Chính phủ xác định, có nghệ thuật biểu diễn – đây chính là nguồn vốn di sản độc đáo nhất để Hà Nội sử dụng, khai thác như một “đòn bẩy” hoặc như một chất bột để “gột nên hồ” trong việc phát triển toàn diện và bền vững.

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Hà Nội như hát múa cổ, múa rối nước, tuồng, chèo, cải lương, hát trống quân, hát chèo tàu, hát ca trù, hát dô, hò cửa đình, hát xẩm… với sự đa dạng về hình thức, sâu sắc về nội dung, tinh tế trong lời ca điệu hò – chính là những chất liệu văn hóa bền vững nhất.

Các loại hình nghệ thuật này dù bị phôi pha đi nhiều, song cơ bản giữ được những phẩm chất độc đáo và cốt lõi nhất để quảng bá về hình ảnh của vùng đất nghìn năm văn hiến.

Xác định nguồn vốn quý, Hà Nội đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống giai đoạn 2021 - 2025 với 4 loại hình chính: Nghệ thuật chèo, cải lương, múa rối và kịch.

Đồng thời phối hợp với các nhà hát, câu lạc bộ tổ chức biểu diễn thường xuyên tại nhiều địa điểm tại khu vực phố cổ và phố đi bộ, mang lại trải nghiệm văn hóa thú vị cho người dân và du khách.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghệ thuật trình diễn truyền thống là một trong những biểu hiện rõ nét của tâm hồn người Việt, phản ánh tính cách và tâm hồn của người xưa.

Trình diễn dân gian xuất phát từ đời sống thường nhật. Ngày nay, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được gắn với du lịch văn hóa - một trong những thế mạnh hàng đầu của Hà Nội.

Bởi vậy, nếu khai thác được, phát huy được thế mạnh này thì nghệ thuật biểu diễn truyền thống không chỉ được bảo tồn, mà còn trở thành sản phẩm độc đáo để phát triển công nghiệp văn hóa.

Hà Nội nên mở rộng khu vực phát triển văn hóa - du lịch ra ngoài nội thành – trong ảnh là cảnh du khách đến xem múa rối tại làng Đào Thục (Đông Anh – Hà Nội).

Hà Nội nên mở rộng khu vực phát triển văn hóa - du lịch ra ngoài nội thành – trong ảnh là cảnh du khách đến xem múa rối tại làng Đào Thục (Đông Anh – Hà Nội).

Dịch chuyển văn hóa để phát triển

Tuy đánh giá cao thế mạnh của Hà Nội, song PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho rằng, sản phẩm công nghiệp văn hóa Hà Nội còn thiếu sự độc đáo cũng như cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Hà Nội cần nhiều hơn các sự kiện văn hóa mang tính quốc tế, thúc đẩy hoạt động nghệ thuật biểu diễn qua mô hình hợp tác, cụ thể hóa bằng các lễ hội.

Ví như hát múa Ải Lao - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gắn với sự tích Thánh Gióng. Sau khi Thánh Gióng bay về trời, thấy bà mẹ Gióng buồn bã nên đám trẻ mục đồng đã đến múa hát cho bà được vui. Hát múa Ải Lao cũng được cho là có nguồn gốc từ nước Lào, chính sự “có liên quan” này là cái cớ để có thể liên kết 2 quốc gia để phát triển du lịch văn hóa Việt – Lào.

Tuy nhiên đến nay, hát múa Ải Lao chỉ có tính chất trong phạm vi làng Hội Xá (nay thuộc phường Phúc Lợi, Gia Lâm), ít có điều kiện hoặc cơ hội để biểu diễn ở phạm vi rộng hơn, thu hút hơn. Như thế, tiềm năng không chỉ bị hạn chế, mà còn lãng phí một nguồn lực có thể giúp cho công cuộc phát triển văn hóa của Thủ đô sớm hoàn thành.

Hoặc như âm nhạc truyền thống Thăng Long vốn là loại hình âm nhạc cổ quý giá. Tuy nhiên, xét về mức độ phổ quát để người dân và du khách biết tới thì lại thua xa Nhã nhạc cung đình Huế.

Nguyên nhân do thiếu không gian biểu diễn dẫn tới sự thờ ơ của giới công chúng khiến cho nghệ thuật này bị mai một. Đến khi phục dựng, nhiều dự án biểu diễn âm nhạc truyền thống được tổ chức nhưng ít đem lại thành công.

Theo giới chuyên gia, mặc dù Hà Nội có tiềm năng lớn về nghệ thuật biểu diễn truyền thống, song lại tồn tại những hạn chế khó giải quyết. Trong đó có vấn đề đầu tư cho không gian biểu diễn, bởi đa số điểm biểu diễn hiện nay ở Hà Nội đều nhỏ hẹp, lạc hậu, làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm văn hóa.

Bởi vậy, ông Emmanuel Cerise - Đại diện vùng Île-de-France (Pháp) tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội và Paris có nhiều điểm tương đồng khi sở hữu nhiều di sản văn hóa để thu hút du lịch. Hà Nội nên mở rộng khu vực phát triển văn hóa - du lịch ra ngoài nội thành, giống như cách Paris đã làm và đã thành công.

Ngày 25/11, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ chủ trì tổ chức tọa đàm “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống và việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội” hướng tới giới thiệu sự đa dạng, tiềm năng của nghệ thuật biểu diễn truyền thống cũng như cơ hội, thách thức trong việc khai thác nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Trong khuôn khổ tọa đàm, ngoài việc thảo luận còn có phần trình diễn của một số nghệ nhân và nghệ sĩ ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ