'Designed by VietNam' khơi nguồn cho công nghiệp văn hóa

GD&TĐ - Với chủ đề 'Thiết kế từ những hạn chế', cuộc thi Designed by VietNam đã khơi nguồn công nghiệp văn hóa cho Thủ đô và đất nước.

Các tác giả nhận giải 'Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm'. Ảnh: NVCC.
Các tác giả nhận giải 'Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm'. Ảnh: NVCC.

Cuộc thi Designed by VietNam (nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam lần thứ tư mới được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội).

Sáng tạo từ những nguyên liệu bỏ đi

Vượt qua 150 bài dự thi, bộ sưu tập “Ratla Xuan” của tác giả Nguyễn Khai Tâm đã xuất sắc giành giải Nhất.

Đây là bài thi được anh lấy ý tưởng từ bài hát “Mùa Xuân và tuổi trẻ” kết hợp các hình ảnh của mùa Xuân như chim én, hoa lá, màu sắc tươi sáng và phong cách hip hop. Thông qua đó, tác giả muốn đưa cái nhìn của cá nhân về truyền thống kết hợp nhuần nhuyễn với hiện đại, góp tiếng nói cho phong trào thời trang bền vững.

Thú vị là Nguyễn Khai Tâm sử dụng toàn bộ nguyên liệu là vải vụn và vải thừa được anh tích lũy và xin từ các nhà may.

“Khi thấy chủ đề của cuộc thi là “Thiết kế từ những hạn chế”, tôi thấy cách sử dụng vải vụn và tạo mới vải từ vải vụn là biện pháp rất tiết kiệm, giải quyết hàng tồn và không tốn tiền”, anh Tâm nói.

Sau sự thành công của dự án “Ratla Xuan”, nhà thiết kế Nguyễn Khai Tâm mong muốn sẽ thành lập nhãn hiệu thời trang nam streetwear (thời trang đường phố) theo hướng bền vững, góp thêm tiếng nói bảo vệ môi trường.

Tác phẩm 'Đèn trang trí Soli' của 2 tác giả Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Hồng Phúc. Ảnh: NVCC.

Tác phẩm 'Đèn trang trí Soli' của 2 tác giả Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Hồng Phúc. Ảnh: NVCC.

Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – VietNam Design Week là sự kiện thường niên đầu tiên và lớn nhất trong nước về lĩnh vực thiết kế do VietNam Design Group, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đồng chủ trì thực hiện nhằm tìm kiếm và tôn vinh những sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam. Chương trình bao gồm chuỗi hoạt động như cuộc thi thiết kế Designed by VietNam, triển lãm, hội thảo, workshops…

“Dẫu “một cánh én không làm nên mùa Xuân” nhưng tôi mong muốn dự án bước đầu được ghi nhận là tín hiệu đáng mừng cho những thay đổi lớn hơn trong cộng đồng khi họ thấy được hiệu quả từ việc làm của các nhà thiết kế, để rồi cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm tái chế hơn.

Khi mà có một số lượng người nhất định sử dụng sản phẩm tái chế thì sẽ lan tỏa thông điệp đến với nhiều người hơn. Tôi tin rằng, ở ngoài kia có nhiều người trẻ có tình yêu và khát vọng bảo vệ môi trường nhưng chưa tìm ra phương pháp hữu hiệu”, anh Tâm chia sẻ.

Tương tự, sáng kiến về Nhì tại cuộc thi năm nay - “Đèn trang trí Soli” của 2 tác giả Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Hồng Phúc đã mang đến cho người xem một góc nhìn mới về công việc sáng tạo không chỉ đến từ những ý tưởng đột phá, mà còn đến từ khả năng nhìn nhận và biến những vật liệu tưởng chừng bình thường trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đèn Soli là bộ đèn được hình thành dựa trên nguyên vật liệu chính là vỏ trứng nhuyễn kết hợp với giấy tái chế và xi măng. Đèn tuy nhỏ bé nhưng mang lại ánh sáng tự nhiên và ấm áp, tạo cảm giác như có một mặt trời thu nhỏ trong chính không gian sống của mỗi nhà.

Theo tác giả Nguyễn Hùng Cường, trong sản phẩm “Đèn trang trí Soli”, những nguyên vật liệu được lựa chọn đều có sự cân nhắc để hạn chế ít nhất có thể những tác động đến môi trường sau khi vòng đời của sản phẩm kết thúc. Phần chao đèn là sự kết hợp giữa vỏ trứng nướng, bột giấy được tái chế từ bìa

carton cũ cùng với keo sữa, thành phẩm sau khi tách khuôn có sự cứng cáp, dẫn sáng tốt và tạo ra hiệu ứng ánh sáng tự nhiên, độc đáo. Phần thân đèn là sự hòa trộn giữa vỏ trứng cùng vật liệu xi măng, một loại vật liệu có độ bền và tuổi thọ cao.

Soli được hình thành thông qua phương thức bán thủ công, hỗn hợp vật liệu sau khi pha trộn theo tỉ lệ nhất định sẽ được đắp và định hình thủ công trong thành khuôn. Thành phẩm sau khi tách khuôn sẽ có sự đồng nhất trong kích thước và kiểu dáng nhưng vẫn giữ được tính độc bản thông qua họa tiết trên bề mặt sản phẩm.

Tác giả Đào Mạnh Khang đã lấy hình ghế nhựa nhỏ, một vật dụng khá thân quen trong đời sống làm nguồn cảm hứng chính cho sản phẩm “One More Seat” và giành giải Ba. Anh đã sắp xếp nhiều chiếc ghế đỏ lại, thêm thắt một vài giá trị mới để tạo nên hình tượng chú rồng - là linh vật chính đại diện cho tinh thần của dự án, cũng là hình tượng gần gũi trong văn hóa Việt Nam.

Tác phẩm đã làm thay đổi góc nhìn để đưa ra những ý tưởng mới, tận dụng tối đa tiềm năng của mỗi sự vật, sự việc và lấy con người làm trọng tâm để sáng tạo, ý tưởng xuất phát từ ký ức, tìm kiếm giải pháp từ phạm vi gần nhất.

Công trình 'đi hanoi toilet đi'.

Công trình 'đi hanoi toilet đi'.

Góp phần cải thiện hình ảnh Thủ đô

Trong 3 đồ án đoạt giải ở nhánh đề bài “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm”, công trình “đi hanoi toilet đi” của nhóm tác giả Nguyễn Huy Hoàng, Trần Trọng Hưng, Phan Anh Khôi, Trần Thị Hồng Loan rất khả thi vì sử dụng vật liệu dễ kiếm, giá thành hợp lý, trong khi hình khối đơn giản và còn có thể tái sử dụng nước mưa, nước rửa tay thông qua hệ thống lọc.

Theo tác giả Nguyễn Huy Hoàng, ý tưởng này xuất phát từ những thứ nhỏ bé như ngắm màn mưa rơi dưới hàng hiên. Chủ ý tạo màn mưa rơi và không gian đọng lại để mọi người có cơ hội nhìn ngắm thiên nhiên chân thật và rõ ràng hơn.

“Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi làm sao để tạo ra cách đi và cách nghĩ mới về nhà vệ sinh công cộng, thay đổi góc nhìn tiêu cực về nhà vệ sinh như hiện nay”, anh Hoàng nói.

Một tác phẩm trong bộ sưu tập 'Ratla Xuan' của tác giả Nguyễn Khai Tâm. Ảnh: NVCC.
Một tác phẩm trong bộ sưu tập 'Ratla Xuan' của tác giả Nguyễn Khai Tâm. Ảnh: NVCC.

“Cách nghĩ mới để thay đổi suy nghĩ hiện tại của nhà vệ sinh là “toilet but not toilet”. Ngoài sự sạch sẽ và tiện nghi, tích hợp một vùng hiên nơi mọi người có thể dừng chân nghỉ ngơi sau khi tập thể dục, là nơi trú mưa, vui chơi và cảm nhận thiên nhiên xung quanh, đặc biệt khi vị trí được đặt cạnh hồ Gươm.

Từ đó dẫn tới cách đi mới đó là sự tiếp cận “chủ động” của nhà vệ sinh với người dùng, mời gọi người dân đến sử dụng so với hiện trạng là “bị động” nằm một mình bên góc đường, lối vào khuất và phải đợi người dân tìm đến.

Và bao trùm lên đó là cách ứng xử hạn chế từ bao cảnh xung quanh và yếu tố truyền thống phải được lồng ghép nhưng thể hiện một cách hiện đại vì đây là nhà vệ sinh tại Việt Nam”, tác giả Nguyễn Huy Hoàng bộc bạch.

Ghi nhận, đánh giá cao những sáng tạo của các công trình được giải nhánh đề bài “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm”, ông Lê Việt Hà - đồng trưởng ban tổ chức chia sẻ: “Những năm gần đây, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm nhấn của Thủ đô, với nhiều hoạt động có sức hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở khu vực này hiện đang mang tính tạm thời, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, và chưa thực sự sạch đẹp. Với các phương án vừa đoạt giải và sắp tới được triển khai thực hiện, những nhà vệ sinh công cộng ở hồ Gươm sẽ có diện mạo thiết kế mới, góp phần cải thiện hình ảnh Thủ đô văn minh - Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế mà UNESCO công nhận”.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: “Tuần lễ Thiết kế Việt Nam với các chương trình, sự kiện, hoạt động sôi nổi, và bổ ích qua từng năm không chỉ tạo được sức hấp dẫn trong cộng đồng thiết kế, mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, đặc biệt là những thiết kế, sáng tạo của các thế hệ trẻ.

Từ những kết quả này, thời gian tới, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam được kỳ vọng sẽ dần trở thành thương hiệu phát triển mạnh, thu hút đông đảo số lượng người tham dự và có nhiều đóng góp hữu ích cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”.

Việc Tuần lễ Thiết kế Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội khiến không gian trong trường đại học đầu tiên của Việt Nam mang thêm nét tươi trẻ, sôi động, nhằm thu hút du khách đến với địa điểm này.

Đây cũng là hoạt động nằm trong chiến lược đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành không gian sáng tạo. TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội cho rằng: “Tuần lễ Thiết kế Việt Nam là cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo độc đáo, mới lạ, góp phần mang đến những giải pháp cho công nghiệp văn hóa của Hà Nội và Việt Nam. Khi được áp dụng vào thực tế, tin rằng các ý tưởng này sẽ mang lại cho cuộc sống của chúng ta thêm nhiều tiện lợi, tiết kiệm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ