Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời

GD&TĐ - Ngày 14/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo góp ý Bộ chỉ số Giáo dục thường xuyên (GDTX) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam

Phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến 2045, Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) tổng hợp các tiêu chí đánh giá từ các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 -2020” (Đề án 89), tham khảo các đề xuất của Unesco, các báo cáo, tài liệu của OECD, Mỹ, Úc…xây dựng Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá Giáo dục thường xuyên.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Bộ tiêu chí đánh giá GDTX trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tổng thể cấu trúc của bộ tiêu chí gồm 4 nhóm chỉ tiêu: Tiếp cận và bình đẳng; chất lượng GD; điều kiện đảm bảo chất lượng GD; đội ngũ GV đáp ứng GDTX. Mỗi chỉ tiêu sẽ có các tiêu chí, chỉ số đánh giá.

Hội thảo là dịp để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa về tính khoa học, tính hiệu lực, hiệu quả và mức độ phù hợp của các tiêu chí và chỉ số được tổng hợp và đề xuất trong dự thảo phục vụ cho đánh giá GDTX giai đoạn 20121 -2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Hướng đến một nền giáo dục mở

Tại Hội thảo, các chuyên gia và nhà khoa học đều cho rằng cần thiết xây dựng một Bộ tiêu chí đánh giá GDTX với những chỉ số cụ thể. Mục tiêu của GDTX là xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Nâng cao dân trí là việc làm thường xuyên để phát triển kinh tế xã hội.

GS.TS. Phạm Tất Dong góp ý tại Hội thảo
GS.TS. Phạm Tất Dong góp ý tại Hội thảo 

Góp ý về tiêu chí bảo đảm xóa mù chữ cơ bản vững chắc, GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, chúng ta không đặt ra vấn đề xóa mù chữ cơ bản mà nên đặt vấn đề xóa mù chữ chức năng.

Nếu như chúng ta phổ cập một cách vững chắc bậc THCS thì đến năm 2025, chúng ta không lo HS cấp 2 mù chữ. Nếu năm đó, ai mù nghề thì mới coi là mù chữ. Chắc chắn đến năm 2030, dân số không còn gọi là dân số vàng.

Nền GD không thể đóng kín đến năm 2025, đã đến lúc GDPT, trong đó GD đại học phải mở, GD người lớn phải mở, học cũng phải theo cách mở, vì thế tính tỉ lệ người đi học phải trên hệ thống mở. Mù nghề và mù ngoại ngữ là vấn đề chúng ta cần chú ý.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu độc lập Việt Anh cho biết: Trong tương lai nền kinh tế đang đi đến nền kinh tế giá trị, toàn bộ hệ thống phục vụ cho công dân trong cộng đồng. Khi là nền kinh tế giá trị, nó kéo theo một loạt vấn đề GD đi kèm. Chúng ta cần xem lại tiêu chí đánh giá mù chữ. Nếu không có hệ thống GD quốc dân đủ mạnh thì mù nghề là vấn đề quan trọng. Tiêu chí này cần mở rộng thêm.

PGS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam cho rằng, đồng ý GDTX là bộ phận không tách rời với GD chính quy nhưng thực tế, tiếp cận GDTX còn rộng hơn cả GD chính quy. Vì thế, phạm vi chúng ta đưa vẫn còn hẹp so với nhiệm vụ của GDTX.

Theo PGS Nguyễn Đức Minh, nên bổ sung các tiêu chí đảm bảo cho mọi người học tập mọi lúc mọi nơi, đảm bảo cần gì học nấy; đảm bảo các hình thức khả năng của học đại học; tạo điều kiện cho mọi người chia sẻ thông tin; tính tích cực chủ động của người học.

Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của nhà khoa học, các chuyên gia. Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Bộ tiêu chí phản ánh đúng tinh thần của Luật GDĐH. Về chất lượng tiêu chí cần mở rộng hơn để tăng cường cơ hội tiếp cận của cộng đồng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, và hi vọng sẽ có buổi họp với Tiểu ban GDTX (Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) để hoàn thiện văn bản, có nhiều thông tin bổ ích để hoàn thiện bộ tiêu chí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ