Dù đa số chuyên gia đặt vấn đề nên chọn ngành theo sở thích, tính cách, năng lực… nhưng với không ít thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, làm sao để được học đại học với chi phí thấp nhất có thể, vẫn là “mục tiêu” chính.
Có thể nói chọn ngành “nhẹ học phí” là xu hướng khá rõ nét của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay, khi đại dịch Covid-19 khiến điều kiện kinh tế của nhiều gia đình sa sút. Đặc biệt, sau 2 năm tạm ngừng, cùng với xu hướng tự chủ đại học, học phí nhiều trường bắt đầu tăng trở lại theo lộ trình. Với số đông thí sinh khó khăn, các chính sách miễn, giảm học phí, chế độ hỗ trợ của những ngành khó tuyển, ngành cần đầu vào chất lượng cao, hơn lúc nào hết, càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa.
Hiện, những ngành học được ưu đãi theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Thông tư 22/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 – 2030… được nhiều thí sinh quan tâm.
Không chỉ nhắm đến các ngành học được miễn giảm, hỗ trợ tài chính theo chính sách quốc gia, thí sinh còn tìm kiếm các ngành học ưu đãi theo chính sách các địa phương, thậm chí chính sách riêng của từng trường. Như ở Quảng Ninh, từ khi HĐND tỉnh ban hành chính sách thu hút sinh viên vào học một số lĩnh vực đào tạo tại Trường ĐH Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, số lượng sinh viên tìm hiểu dự tuyển tăng. Ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, từ khi có thông tin được ĐHQG TPHCM hỗ trợ 35% học phí, các ngành Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học… có lượng sinh viên tìm hiểu để ứng thí tăng lên.
Chính sách ưu đãi ngành thực tế đã giúp cải thiện công tác tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là một thực tế. Nhờ hiệu ứng Nghị định 116/2020/NĐ-CP, mùa tuyển sinh năm 2021, số nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc tốp cao với gần 229 nghìn thí sinh, gấp 4,5 lần so với chỉ tiêu đặt ra. Nhiều trường tỷ lệ chọi, điểm chuẩn rất cao, hứa hẹn nguồn nhân lực tốt. Cùng ngành học này, hơn 20 năm trước với chính sách miễn học phí cũng đã tạo nên một thế hệ vàng giáo viên. Hay qua 8 năm triển khai chính sách “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020”, nhờ miễn học phí 5 ngành này, ngành Y tế cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra về đào tạo nhân lực.
Đòn bẩy chính sách cải thiện công tác tuyển sinh và chất lượng nhân lực là có thật, tuy nhiên đó cũng chỉ là điều kiện ban đầu. Không ít ngành sau một thời gian ngắn thu hút hiệu quả, dần trở nên… mất tính thu hút. Thực tế cho thấy, thu nhập sau tốt nghiệp mới là yếu tố quyết định. Ngoài chính sách về lương bổng, thu nhập, với các ngành khó tuyển, ngành cần ưu tiên phát triển, người lao động cũng cần có môi trường làm việc tốt, có điều kiện để nghiên cứu, nâng cao chuyên môn. Và đó mới chính là chính sách có sức thu hút dài lâu.