Và thật ra thì nhìn xuyên suốt một số giải đấu gần đây mà Thái Lan tham dự, họ bị thủng lưới khá nhiều, dù đối thủ gồm cả những đội bóng không mạnh hơn Thái Lan.
Tại AFF Cup 2018, không tính trận đấu với Timor Leste quá yếu, Thái Lan thủng lưới trước 3/4 đội bóng gồm Indonesia (2 bàn), Philippines (1 bàn), Malaysia (2 bàn) và Singapore.
Riêng trước Malaysia, vì 2 bàn thua trước đội bóng xứ Mã trong trận bán kết lượt về ngay trên đất Thái, mà đội bóng đất Chùa Vàng phải dừng bước tại bán kết.
Đến Asian Cup 2019, Thái Lan để thủng lưới đến 7 bàn, dù họ chỉ đá 4 trận tại giải vô địch châu Á, gồm 3 trận vòng bảng và trận đấu thuộc vòng 1/8.
Cụ thể, đội bóng đất Chùa Vàng khi đó thủng lưới 4 bàn trước Ấn Độ (thua 1-4), thủng lưới 1 lần trước chủ nhà UAE (hoà 1-1), và thua 2 bàn trước Trung Quốc tại vòng 1/8 (thua 1-2).
Còn tại King’s Cup diễn ra hồi tháng 6 năm nay, tại Buriram (Thái Lan), đội chủ nhà đá 2 trận tại giải, trận nào cũng để thủng lưới: Họ thua 0-1 trước đội tuyển Việt Nam ở bán kết và thua luôn Ấn Độ 0-1 trong trận tranh hạng ba.
Thủng lưới liên tục, qua nhiều giải, trước nhiều đội bóng vốn trước đây không được đánh giá ngang với mình, hàng thủ của Thái Lan đúng là không chắc chắn.
Các trung vệ hiện có tên trong danh sách sơ bộ của đội tuyển Thái Lan chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam, gồm Pansa Hemviboon, Adisorn Promrak, Manuel Bihr vạm vỡ, có ưu thế về thể hình (riêng Pansa Hemviboon cao đến 1m90), nhưng lại không linh hoạt ở khả năng xoay trở, cũng như không giỏi đọc tình huống.
Họ cũng là những cầu thủ từng tham dự các giải AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, sau đó có người còn hiện diện ở King’s Cup hồi tháng 6 vừa rồi, nên họ chính là những người góp phần khiến Thái Lan thường xuyên… bị thủng lưới tại các giải đấu quốc tế gần nhất.
Các cầu thủ tấn công bên phía đội tuyển Việt Nam từng chạm trán với các cầu thủ này rồi, tại King’s Cup. Khi đó, Pansa Hemviboon thô thiển đến mức đá theo kiểu triệt hạ hòng cản pha đi bóng của Công Phượng, động tác mà các trung vệ có kỹ thuật cao sẽ không bao giờ làm.
Còn Văn Toàn nhiều lần đua tốc độ với các hậu vệ nêu trên của đội Thái Lan, và thường thì Văn Toàn là người vượt qua họ. Điều đáng tiếc với Văn Toàn khi đó ở chỗ anh chưa thật bình tĩnh để xử lý các tình huống ngay sau khi tăng tốc một cách chỉn chu hơn, dẫn đến chưa tạo được nhiều pha dứt điểm uy lực hơn về phía cầu môn đội Thái Lan.
Giờ, cứ sau mỗi lần tập trung, Văn Toàn lại tiến bộ và anh có thể sẽ hay hơn so với chính mình hồi King’s Cup vừa rồi. Nên Văn Toàn nói riêng và nhiều cầu thủ khác bên phía đội tuyển Việt Nam nói chung tự tin khi cho rằng họ có thể đánh bại được hàng phòng ngự của đội bóng đất Chùa Vàng!