Đói trong niềm say mê khoa học

GD&TĐ - “Thời bao cấp, hàng tháng trời không có bữa trưa, nhưng vẫn phải lên lớp, vẫn phải ngồi phân tích mẫu ở phòng thí nghiệm…

Đói trong niềm say mê khoa học

Cái đói và niềm say mê, nhiều khi không có ranh giới”, GS Bùi Công Hiển - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội dí dỏm chia sẻ.

Xương xẩu như sinh lý… côn trùng

GS Bùi Công Hiển từng là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, ông được giữ lại làm giảng viên cho đến lúc nghỉ hưu. Ông là một trong số ít nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về côn trùng học ở Việt Nam.

Nhớ lại cơ duyên đến với chuyên ngành Sinh học, ông bảo khi đó thích thiên nhiên hơn phòng thí nghiệm. Bởi vậy, được phân công chuyên ngành sinh học là phù hợp với sở thích, nên cả cuộc đời ông gắn với côn trùng như “cái nợ”.

Chuyên môn sâu của GS Bùi Công Hiển là sinh lý học côn trùng, một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam cách đây mấy chục năm. “Trước khi rời đất nước đi làm nghiên cứu sinh, tôi có đến chào GS Đào Văn Tiến và xin ý kiến thầy để chọn hướng nghiên cứu.

Thầy Tiến khuyên tôi nên chọn hướng nghiên cứu về sinh lý học côn trùng. Đây là vấn đề “xương xẩu”, ít người muốn học. Nhưng nếu hiểu biết sẽ giúp mình phát triển nghiên cứu khoa học tốt hơn.

Lúc đó, tôi cũng nhận thức rằng học “phải đón đầu thế giới để sau này tham gia xây dựng đất nước ta đang hoàng hơn, to đẹp hơn”. Năm 1969 tôi đã nhận luận án tiến sĩ với đề tài về Pheromon của một loài mọt. Đó cũng là luận án tiến sĩ đầu tiên ở CHDC Đức bảo vệ thành công năm 1973 kèm giải thưởng Humbold Preis năm 1974.

Những tưởng sẽ phát triển được hướng nghiên cứu này, nhưng do chiến tranh và cấm vận quá lâu, nên tôi đã không thực hiện được ở Việt Nam. Do vậy tôi đã chuyển hướng sang lĩnh vực côn trùng hại kho và mối. Vì từ năm thứ tư, khi tốt nghiệp đại học (1965) tôi đã có luận văn về mọt gạo. Hơn nữa lĩnh vực này rất ít người quan tâm”, GS.TS Bùi Công Hiển nhớ lại.

Do nghiên cứu về lĩnh vực côn trùng hại kho nên GS.TS Bùi Công Hiển có nhiều kỉ niệm. Ông kể: “Khoảng năm 1981 - 1982, Campuchia nhận viện trợ gạo của nước ngoài bị nhiễm mọt cứng đốt (Trogoderma granarium) mà thành dịch. Bộ đội Việt Nam khi về nước có mang theo gạo về giúp gia đình để làm quà.

Không ngờ lan thành dịch. Điều đáng quan tâm loài mọt này là đối tượng kiểm dịch của Việt Nam và thế giới. Do vậy, Ban Bí thư ra chỉ thị phải diệt loài mọt này với mật danh “mọt TG”. Tôi đã sang Cục Bảo vệ thực vật tập huấn cho cán bộ các Chi cục nhận biết loài mọt này.

Vì lúc đó ở Việt Nam không có ai có vật mẫu và biết nhận dạng loài này, trong khi tôi đã nuôi và thí nghiệm với loài mọt này hơn 3 năm ở CHDC Đức. Cuối cùng loài mọt có mật danh này cũng bị tiêu diệt”.

Sao cứ lấy thuốc diệt côn trùng?

GS.TS Bùi Công Hiển bảo vệ luận án tiến sĩ xuất sắc năm 1973 tại Trường Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức và được nhận giải thưởng Humboldt Preis; nhận học hàm Phó Giáo sư năm 1991 và Giáo sư năm 2003. Một số công trình sách chính đã xuất bản gồm: Côn trùng hại kho (1992), Côn trùng học ứng dụng (2002), Pheromon của côn trùng (2002), Giao tiếp sinh học ở động vật (2009), Côn trùng ở Việt Nam và phòng trừ côn trùng gây hại (2013), Động vật gây hại kho tàng và nhà cửa (2014), Tài nguyên côn trùng ở Việt nam (2019), Những côn trùng có giá trị ở Việt Nam (2020).

GS.TS Bùi Công Hiển năm nay đã 80 tuổi. Ông bảo, ở đoạn cuối của cuộc đời, không còn nhiều năng lượng để làm việc nữa. Điều ông băn khoăn, thôi thúc ông là thế giới côn trùng đa dạng, phong phú lắm. Côn trùng đem lại rất nhiều giá trị cho con người, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sao con người vẫn cứ say sưa “chiến đấu” với côn trùng bằng vũ khí “thuốc trừ sâu” của các hãng nước ngoài? Sao vẫn để một bộ phận người dân khai thác tận diệt những loài như sâu chít, sâu tre, ong khoái, kiến gai đen… mà không nhân nuôi thành các trang trại. Sao không đưa côn trùng vào giáo dục và hoạt động văn hóa, du lịch như nhiều nước đã làm?

Rồi có những loài côn trùng có giá trị vừa phải thôi, nhưng lại cứ bị thổi phồng lên với biết bao nhiêu công dụng thần kỳ. Để rồi người mua, vì thiếu hiểu biết, thậm chí có khi lại rước họa vào thân. Ví dụ đơn giản nhất là trào lưu sử dụng đông trùng hạ thảo hiện nay.

Đông trùng hạ thảo được hình thành từ hiện tượng ấu trùng các loài bướm thuộc chi Thitarodes bị nấm thuộc chi Ophiocordyceps và/hoặc Cordyceps ký sinh. Đó là một dạng ký sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Thitarodes.

Đông trùng hạ thảo chủ yếu tìm thấy vào mùa hè vùng núi cao trên 4.000m ở cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải - Tây Tạng) và Tứ Xuyên (Trung Quốc). Nhưng hiện nay còn lại rất ít, gần như vô cùng hiếm gặp.

Loại Đông trùng hạ thảo bán trên thị trường hiện nay đa phần là nhân nuôi nấm trên con tằm. Bản chất của Đông trùng hạ thảo thực sự khác hẳn với việc phun nấm lên con nhộng tằm. Về hình thức, vỏ của con sâu giữa Đông trùng hạ thảo và con nhộng tằm là giống nhau, có lẽ vì thế mà người ta lầm tưởng rằng chúng là một.

“Tôi đã tham gia nhiều hội chợ khoa học công nghệ và có đề xuất cách sử dụng côn trùng để bảo tồn đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo cho các vùng miền núi. Tiếc thay, chưa thấy cơ quan quản lý khoa học hay các doanh nhân Việt Nam quan tâm”, GS.TS Bùi Công Hiển chia sẻ.

Làm khoa học không chết đói, nhưng…

Về thế hệ trẻ đứng giữa thu nhập và đam mê, GS.TS Bùi Công Hiển ví von: “Có thể nói người nghiên cứu khoa học ở Việt Nam không chết đói, nhưng đói cho đến lúc chết theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thời chúng tôi sống trong chế độ bao cấp, nên luôn có chỉ tiêu phải phấn đấu theo.

Thế hệ hiện nay có hoàn cảnh khó khăn và thuận lợi khác. Do vậy không thể và không nên so sánh. Chỉ có điều làm khoa học là phải đánh đổi. Đam mê ngày nay trả giá bằng đời sống khó khăn, lương thấp.

Rất ít người làm khoa học mà giàu có. Tôi hàng tháng trời không có bữa trưa, nhưng vẫn phải lên lớp, vẫn phải ngồi phân tích mẫu ở phòng thí nghiệm. Nhưng không thể bảo như vậy là “say sưa” hơn. Đúng là “buộc vào mà đánh, khen thay chịu đòn”.

Khó khăn, muốn được làm theo đam mê thì phải tự khắc phục. “Thời chúng tôi là vào trong một đường ống, không có chuyện “tư nhân”… Bản thân tôi khi làm hợp đồng dịch vụ “chống mối, mọt” cho một đơn vị nào là hiệu trưởng ký, rồi ủy nhiệm cho thực hiện.

Tiền nong chi tiêu phải được thực hiện theo chế độ của tài vụ… Đoạn đường nuôi con, kiếm tiền và làm khoa học giống như bơi giữa biển. Lúc mỏi quá, thò chân xuống, vẫn chưa chạm đất, lại bơi tiếp, rồi cuối cùng cũng đến bờ”.

Điều GS.TS Bùi Công Hiển biết ơn trong cuộc đời khoa học của mình là sự giúp đỡ nhiệt tình và vô tư của các nhà khoa học nước ngoài, trước tiên ở CHDC Đức và hiện nay là CHLB Đức. Sau đó là các đồng nghiệp, thế hệ nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh… đã thổi lửa đam mê để ông gạt gánh lo cơm áo sang một bên mà chuyên tâm nghiên cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.