Côn trùng: Siêu thực phẩm của tương lai

GD&TĐ - Côn trùng được coi là một dạng thực phẩm an toàn, ít tác động đến môi trường, nhiều dinh dưỡng, dễ chế biến. Nó được nhận định sẽ là xu hướng thực phẩm chủ đạo trong tương lai.

Côn trùng: Siêu thực phẩm của tương lai

Sâu bột được EU chấp thuận

Cơ quan An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (EFSA) vừa kết luận sâu bột an toàn, người có thể ăn được. Theo báo The Guardian của Anh, kết luận được EFSA đưa ra sau khi Micronutris - nhà sản xuất thực phẩm làm từ côn trùng đầu tiên của Pháp - nộp đơn đề nghị xem xét. Các nhận xét của EFSA được dự báo sẽ mở đường cho việc nuôi công nghiệp sâu bột và bày bán tại siêu thị.

Sâu bột là dạng ấu trùng của một loài bọ cánh cứng có tên khoa học Tenebrio molitor. Đây là loại côn trùng đầu tiên được EFSA khẳng định an toàn cho sức khỏe con người. Sâu bột có lớp vỏ mỏng màu vàng ươm trông bắt mắt, bên trong chứa nhiều protein, chất béo và chất xơ. Khi được sấy khô, sâu bột có mùi vị giống như đậu phộng.

GS.TS Bùi Công Hiển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, côn trùng làm thực phẩm được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới và ngày càng phổ biến. Sâu bột là một trong những loài dùng làm thực phẩm rất tốt. Ngoài ra, ở Mỹ đã có những sản phẩm đồ hộp từ con dế. Thái Lan là nước sử dụng nhiều loài côn trùng làm thực phẩm nhất, tới 134 loài trong tổng số 229 loài côn trùng có thể dùng làm thực phẩm.

Ở Việt Nam, việc điều tra, nghiên cứu về côn trùng làm thực phẩm còn hạn chế. Dù vậy, người dân Việt Nam đã sử dụng một số loài côn trùng để ăn từ hàng nghìn năm trước.

“Một số loài côn trùng bổ dưỡng có thể kể đến như tằm dâu, sâu tre, bọ hung, bọ ngựa, sâu dâu, châu chấu, tò vò, ve sầu, rệp giường, các loài ong mật… Cho dù côn trùng có kích thước nhỏ bé nhưng vì số lượng rất đông đúc nên có thể trội hơn về trọng lượng hay sinh khối so với các động vật khác. Việc phân tích thành phần hóa học của nó chỉ ra rằng có thể so sánh được với những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao”, GS.TS Bùi Công Hiển cho hay.

Nhiều dưỡng chất

Không có loại thức ăn từ côn trùng, nhiều loài sẽ không sống được, vì không biết ăn các thức ăn khác. Chẳng hạn tê tê, heo vòi chỉ ăn mối, kiến. Chúng thường săn tìm các tổ mối, tổ kiến. Khi phát hiện ra tổ, chúng dùng móng vuốt phá một phần tổ để mối linh hay kiến xông ra. Lúc này, chúng dùng lưỡi dài đến 40cm có chất dính, quét qua lại để bắt mối, kiến. Tắc kè, chim yến không có côn trùng sẽ hạn chế sinh sản.

GS.TS Bùi Công Hiển cho biết, nhiều nơi, côn trùng là thức ăn xa xỉ. Ví dụ ở Mexico, người ta ăn trứng loài cà cuống, rất có giá trị dinh dưỡng. Họ dìm những tấm vải xuống nước để cà cuống đẻ trứng vào đó rồi thu trứng đem phơi khô và làm bánh ngọt. Các thổ dân châu Úc thu thập một lượng lớn sâu xám, cho vào túi rồi nướng trên than để ăn, ấu trùng có mùi vị béo ngậy.

Nhiều bộ tộc ở Ấn Độ đã ăn kiến, châu chấu, ấu trùng và nhộng một số cánh cứng, bướm, ruồi, ong và cánh cực đục thân cây. Ở Iraq, hàng năm có khoảng 35 tấn côn trùng được thu thập và bán trên thị trường làm thực phẩm.

Người Trung Quốc cổ xưa có tục ăn ve sầu và đeo những con ve sầu bằng ngọc làm đồ trang sức. Ve sầu là một món ăn ưa thích trong các bữa tiệc lớn thời nhà Chu (1100 - 221 trước Công nguyên).

Ở Việt Nam, côn trùng làm thực phẩm rất đa dạng. Sâu chit, sâu tre là những loài đặc hữu cho vùng núi Tây Bắc. Kiến gai đen, ong đất, ong khoái là những loài đặc hữu của vùng núi phía Bắc. Các loài bướm phượng như Troides helena, Troides aeacus… cũng là những loài đặc hữu cho một vài vùng núi cao.

Thậm chí ngay một số loài gây hại như sâu đuông hại dừa, bọ dừa nhỏ… cũng là những đặc sản được khai thác. Việc khai thác đa phần là thủ công, không được phổ biến cách nhân nuôi để khai thác hợp lý. Hiện nhiều trào lưu nuôi dế, nuôi cà cuống, nuôi sâu đuông… đã được thực hiện, nhưng chưa được bài bản mà đa phần là tự phát.

“Trong quá trình nuôi ong mật, hàng năm người nuôi ong phải thải loại hàng trăm kg ong đực. Sản phẩm này nếu được thu hồi bảo quản và chế biến làm thực phẩm thì rất có giá trị. Tài nguyên côn trùng chủ yếu tập trung ở vùng núi và nông nghiệp, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Do vậy, nên đưa vào các chương trình phát triển nông thôn miền núi nội dung này để giúp người dân làm giàu từ tài nguyên thiên nhiên bền vững”, GS.TS Bùi Công Hiển cho hay.

Những rủi ro tiềm ẩn khi ăn côn trùng

Ngoài hình thức ăn trực tiếp, con người còn dùng côn trùng ngâm trong rượu để uống dần hoặc khi nhân nuôi có khối lượng lớn và ổn định, người ta đã làm đồ hộp và lập ra các công ty buôn bán côn trùng, công nghiệp chế biến thực phẩm côn trùng như ở Mỹ và một số nước.

GS.TS Bùi Công Hiển cho hay, côn trùng có ở khắp mọi nơi và sinh sôi rất nhanh, nhưng lại có mức độ ảnh hưởng môi trường tương đối thấp. Việc nuôi và tiêu thụ các loại côn trùng ăn được mang lại nguồn lợi không nhỏ. Ngoài ra, côn trùng cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và protein cao so với thịt và cá.

Chúng có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung cho trẻ em suy dinh dưỡng bởi hàm lượng protein cao cũng như rất giàu các vi chất (đồng, sắt, magiê, mangan, photpho, selen và kẽm). Ngoài ra, ăn côn trùng có thể giúp não người tiến hóa.

Với chế độ ăn thanh đạm như ong, kiến và sâu bọ có thể kích thích sự phát triển não bộ, đảm nhiệm các chức năng nhận thức cao hơn ở người tiền sử. Nhiều nhóm thổ dân trên thế giới thường ăn côn trùng theo mùa và thói quen này đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tiến hóa ở người.

Thế nhưng, nếu không biết cách chế biến hoặc ngâm rượu uống thì sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ như loài có nọc độc, bọ xít, ong vò vẽ… Bởi nếu không biết cách loại bỏ độc tố thì dễ rước họa vào thân, không khéo còn thiệt mạng. Khi bắt côn trùng để chế biến thành thực phẩm không được dùng các loại hóa chất độc.

Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo. Đặc biệt, không dùng côn trùng đã ôi, thiu vì không chỉ các chất trong cơ thể côn trùng đã biến tính, mà thường đã bị nhiễm nấm mốc rất độc hại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.