Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Giồng Riềng là huyện thuần nông của tỉnh Kiên Giang, với dân số hơn 228.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 16,75%. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, các mô hình kinh tế gia đình đạt hiệu quả cao... đời sống người nông dân địa phương nói chung và nông dân người Khmer nói riêng ngày càng được cải thiện.
Đời sống đồng bào huyện Giồng Riềng thay đổi từng ngày. |
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, một trong những nhân tố giúp đời sống của người dân huyện Giồng Riềng từng bước được nâng lên đến từ hiệu quả của các chính sách dân tộc như Chương trình 135, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào Khmer nghèo, đặc biệt khó khăn...
Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đời sống người dân trên địa bàn huyện được cải thiện rõ rệt, đặc biệt tạo điều kiện giúp bà con Khmer nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 0,78% dân số toàn huyện.
Xã Vĩnh Phú có 62% là đồng bào dân tộc Khmer, xác định được nhu cầu và nguyện vọng của đồng bào, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng đồng bào để thoát nghèo từ tỷ lệ 22% đến nay chỉ còn dưới 1%.
Anh Danh Sánh, người Khmer, xã Vĩnh Phú trước đây là hộ thuộc diện nghèo, không có đất sản xuất, 2 vợ chồng quanh năm mưu sinh bằng nghề làm thuê, làm mướn.
Năm 2014, anh Sanh được địa phương hỗ trợ một con bò giống từ Chương trình 135, sau đó lại được tặng nhà “Đại đoàn kết”. Hai niềm vui lớn đó đã tạo động lực cho vợ chồng anh Sánh chí thú làm ăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Anh Sánh chia sẻ con bò giống khi anh nhận về đã chuẩn bị đẻ, và chỉ sau đó hơn 2 năm, gia đình anh có thêm 3 con bê. Đến nay, tổng đàn bò gia đình đã lên gần 10 con, mỗi năm bán một đến hai cặp thu về 70 – 90 triệu đồng.
“Từ nguồn vốn bán bò, tôi đầu tư mua thêm ruộng, cải tạo để trồng cây ăn quả, xây dựng khu trang trại tổng hợp rộng 1,3 ha, doanh thu bình quân đạt gần 200 triệu đồng/năm. Sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương đã thực sự trở thành bước ngoặt, giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên khấm khá”, anh Sánh xúc động nói.
Nông dân huyện Giồng Riềng cải tạo đất kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái mang lại thu nhập cao. |
Anh Sánh chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Giồng Riềng đổi đời nhờ các chính sách dân tộc. Nhiều chính sách về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt đã làm thay đổi rõ rệt đời sống của bà con vùng đồng bào, sinh kế được cải thiện, thu nhập ngày càng ổn định.
Hay như Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo” (Chương trình do Heifer Việt Nam tài trợ) đã chọn xã Bàn Thạch để triển khai hỗ trợ người nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản.
Anh Danh Tý, người Khmer, ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch, hộ nhận bò từ dự án chia sẻ: “Bò dễ nuôi, vùng này lại có nhiều, bò dự án cấp được tiêm chủng đầy đủ nên ít bệnh. Sau gần 4 năm, tôi đã có thêm 3 con bê, một con trả lại dự án để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo khác”.
Quan tâm đúng mức đến giáo dục, đào tạo
Không chỉ có kinh tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho con em đồng bào Khmer cũng được quan tâm đúng mức, từng bước phát triển cả lượng và chất, tình trạng học sinh bỏ học ngày một giảm, các lớp học song ngữ được duy trì và phát huy.
Cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện được đầu tư kiên cố hóa theo hướng đạt chuẩn quốc gia từ bậc học mẫu giáo đến trung học cơ sở. Trong 5 năm qua, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc ra lớp đạt 98%. Việc dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em đồng bào dân tộc cũng được thực hiện tốt…
Ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, cho hay để có được những kết quả hiện tại, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực, sáng tạo của người dân, thì sự đồng hành của Huyện ủy, UBND huyện, ban ngành chuyên môn các cấp đóng vai trò quyết định.
Thời gian qua, huyện đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của cấp trên và Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND, kế hoạch của UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lồng ghép nhiều chương trình, dự án, kế hoạch để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, từ đó đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên. 3 xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là Vĩnh Phú, Vĩnh Thạnh và Bàn Thạch đã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách dân tộc, huyện sẽ tích cực phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ người dân liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh.