Chính sách xóa nghèo linh hoạt đem lại cuộc sống sung túc cho người dân Sơn La

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tỉnh Sơn La luôn chú trọng quan tâm đến công tác xoá nghèo, nhờ vậy mà cuộc sống của bà con các dân tộc ngày càng sung túc và nâng cao.

Một hộ nghèo ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp được Nhà nước hỗ trợ bò giống phát triển kinh tế.
Một hộ nghèo ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp được Nhà nước hỗ trợ bò giống phát triển kinh tế.

Thực hiện chính sách xoá nghèo linh hoạt…

Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư từ Trung ương thông qua hàng loạt chương trình, dự án, đề án hỗ trợ xóa đói nghèo được triển khai, nhất là Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Từ những chính sách đó, Sơn La đã vận dụng linh hoạt và chỉ đạo các địa phương quyết liệt thực hiện các dự án xoá nghèo hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Sơn La cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã triển khai công tác giảm nghèo đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, bản với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các nguồn lực đầu tư luôn ưu tiên dành cho các dự án, chính sách giảm nghèo, nhất là từ nguồn hỗ trợ Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Nhờ chính sách xoá nghèo linh hoạt và hiệu quả, người dân xã Gia Phù, huyện Phù Yên đã tích cực tăng gia sản xuất và có cuộc sống sung túc.

Nhờ chính sách xoá nghèo linh hoạt và hiệu quả, người dân xã Gia Phù, huyện Phù Yên đã tích cực tăng gia sản xuất và có cuộc sống sung túc.

Qua tìm hiểu, được biết trong giai đoạn 2009 - 2020, ngân sách Trung ương bố trí cho các huyện nghèo của tỉnh Sơn La trên 2.663 tỷ đồng thực hiện các chính sách đặc thù. Từ nguồn vốn của Nhà nước và nguồn lực hỗ trợ của doanh nghiệp, tỉnh Sơn La đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới 602 công trình hạ tầng thiết yếu. Hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo về cây, con giống, làm chuồng trại chăn nuôi, khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang, hỗ trợ đào tạo nghề...

Ngoài ra, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Sơn La giải ngân trên 3.000 tỷ đồng cho hơn 90.000 lượt hộ nghèo, 6.900 hộ cận nghèo và 2.000 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; 9.500 lượt hộ được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn; gần 3.300 lượt học sinh, sinh viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay ưu đãi tham gia học tập...

Các hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nhờ vậy cuộc sống của bà con đã từng bước được nâng lên.

Các hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nhờ vậy cuộc sống của bà con đã từng bước được nâng lên.

Người nghèo được tiếp cận các dịch vụ, vốn vay…

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, từ nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở vật chất, hạ tầng tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh được đầu tư, từng bước đổi thay diện mạo nông thôn miền núi. Người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách trợ giúp của Nhà nước.

Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 15,1%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện nghèo giảm xuống còn 19,23%. Các huyện Phù Yên, Quỳnh Nhai, Vân Hồ, Bắc Yên, Mường La đã thoát nghèo. Hiện nay, tỉnh còn có huyện Sốp Cộp, Thuận Châu thuộc diện huyện nghèo, đang tập trung các giải pháp để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến công tác xoá nghèo. Vì vậy, đời sống của bà con các dân tộc ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến công tác xoá nghèo. Vì vậy, đời sống của bà con các dân tộc ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Phù Yên đã rà soát, xác định nguyên nhân nghèo ở các xã và chia các hộ nghèo thành các nhóm: Thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu đất sản xuất; không biết cách làm ăn, không có tay nghề; thiếu lao động; đông người ăn theo; không có khả năng lao động...

Từ những rà soát đánh giá đó, huyện Phù Yên đã hỗ trợ từng nhóm hộ nghèo được triển khai, như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa qua đào tạo; hỗ trợ vốn vay ưu đãi... Năm 2018, huyện Phù Yên được công nhận là huyện thoát nghèo. Nhiều năm qua, huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,10%, hộ cận nghèo 9,82%.

Tại huyện Quỳnh Nhai, năm 2010, từ nguồn vốn Chương trình 30a đã hỗ trợ xã Chiềng Bằng tiền làm lồng và mua cá giống để phát triển mô hình nuôi cá lồng, khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La. Mô hình thành công được nhân rộng ra nhiều xã, bản. Hiện nay, toàn huyện có 7.000 lồng cá, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Để công tác xoá nghèo đạt hiệu quả cao, chúng tôi luôn chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ những cách làm hay và quyết liệt, năm 2018 huyện đã được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo”.

Nhiều bản ở các xã vùng sâu, vùng xa được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt thường ngày.

Nhiều bản ở các xã vùng sâu, vùng xa được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt thường ngày.

Với các giải pháp được đề ra, tỉnh Sơn La nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025: Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo bình quân 3%/năm; các huyện nghèo giảm bình quân từ 4-5%/năm. Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo.

Nhờ thực hiện các chính sách linh hoạt, cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh Sơn La không ngừng được nâng cao. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, chung tay xây dựng Sơn La ngày càng giàu, mạnh, phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.