Người tiên phong của bản làng
Bản Huồi Sơn thuộc xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An), cách trung tâm huyện khoảng 40km. Những năm trước, để vào tới bản phải đi cả ngày đường. Trước đây, đời sống người dân hết sức khó khăn do tập quán sản xuất lạc hậu.
Giờ đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, đồng bào người Mông tại bản Huồi Sơn đã có cuộc sống mới khấm khá hơn. Người dân không còn phải men theo những sườn dốc, đá cheo leo như trước mà có đường bê tông chạy đến từng bản.
Giữa bạt ngàn nương nghệ đỏ, già làng Xồng Nhia Mại, một trong những hộ tiên phong đến bản Huồi Sơn lập nghiệp kể lại: “Hồi mới ở bản cũ Huồi Xến xuống lập nghiệp ở bản mới Huồi Sơn, khó khăn lắm. Trồng được củ sắn, khoai sọ hay bắp ngô, quả dứa cũng chỉ chất đầy kho. Trâu, bò ăn cũng không hết, mối mọt lại phải vứt đi. Vật nuôi cũng khó khăn lắm mới đưa xuống xã bán được. Vì thế người dân thường kéo nhau nay đây mai đó tự do đi, ở và vượt biên trái phép sang Lào”.
Theo già làng Mại, đến năm 2006, xã Tam Hợp có chủ trương khai hoang ruộng nước để làm đất sản xuất. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tam Hợp và sự tiên phong gương mẫu của một số già làng, người có uy tín trong bản, nhiều khoảnh đất hoang dọc theo con Khe Xến được khai hoang làm ruộng nước.
Một góc bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp. Ảnh: Phạm Tâm. |
Những ngôi nhà truyền thống dân tộc Mông được dựng kiên cố ở bản Huồi Sơn. Ảnh: Phạm Tâm. |
Ngày đó, do chưa quen với cách canh tác mới, vụ đầu tiên hơn 3ha ruộng nước không cho hạt. Cũng dễ hiểu, bởi đã bao đời đồng bào Mông chỉ quen với nương rẫy, mưa thuận thì đủ ăn, gió không hòa thì đói kém.
Những người như già Mại đã tiên phong, đi đầu, quyết không quản khó. Họ nghe và mạnh dạn bàn bạc, học hỏi cách để cho cây lúa trên nương trổ bông, cây ngô trên rẫy cao cho nhiều bắp.
“Ngày đó, già và cán bộ, bộ đội biên phòng lên lên, xuống xuống trên bản, nói toàn cái hay, cái đẹp. Rủ bà con xuống núi ở nhà già Mại, ăn, ngủ và xem già làm ruộng, xem già nuôi con bò, con lợn, mãi thì bà con mới nghe và cùng xuống bản mới”, già làng Mại kể lại.
Rất may, năm đó toàn bộ diện tích ruộng nước bà con cùng khai hoang đã cho thu hoạch. Nuôi con trâu, con bò cũng bán ra tiền, con cái được đi học, bà con phấn khởi và biết thi đua xây dựng, thi đua làm giàu.
Đổi thay nơi miền sơn cước
Tiếp câu chuyện của già làng Mại, anh Vừ Bá Mà, Phó bản Huồi Sơn kể lại, năm 2014, Tổng đội Thanh niên xung phong 9 về đóng quân, bày cho dân bản không chỉ trồng lúa nước mà còn đưa giống nghệ đỏ về cho trồng và thu mua. Ngoài ra, cán bộ còn hướng dẫn cách chăm sóc cây bo bo, trồng thêm gừng, sắn, khoai sọ, làm vườn rau cải thiện bữa ăn và tập trung chăn nuôi.
Ban đầu dân không hiểu và thấy khó áp dụng khoa học của cán bộ, chỉ có vài hộ làm theo. Nhưng sau so sánh thấy hộ nào làm theo cán bộ thì hiệu quả cao hơn, nên sau đó cán bộ hướng dẫn cách kết hợp giữa truyền thống và áp dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi.
Người dân thấy hợp lý và năng suất tăng hơn, nghệ nhiều củ, lúa nhiều hạt, ngô cũng bắp đầy. Từ đó ai cũng học và làm theo, tập trung chăn nuôi, trung bình mỗi hộ nuôi 2-3 con bò, nuôi nhốt hoặc khoanh vùng.
Người dân bản Huồi Sơn sơ chế quả bo bo để bán cho các thương lái. Ảnh: Phạm Tâm. |
Khi cái bụng đã dần ấm no, người dân mới bắt đầu phấn đấu phát triển kinh tế làm giàu. Xác định để phát triển kinh tế thì phải thông đường, lúc đó vai trò của cấp ủy, ban quản lý được phát huy rất cao để vận động người dân mở thêm đường, tu sửa những đoạn khó đi.
Nhưng một cái khó là hồi đó mới chỉ hơn 30 hộ, việc huy động sức dân hoàn thiện gần 2km đường nối từ trục chính vào bản gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 2014, khi Tổng đội Thanh niên xung phong 9 xác định đóng quân lâu dài trên địa bàn, con đường bê tông cũng được đầu tư.
Niềm vui như được nhân đôi khi tổng đội mở thêm xưởng chế biến tinh bột nghệ, đưa cây giống mới nghệ đỏ về, mở ra hướng phát triển mới cho người dân Huồi Sơn.
Ông Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho biết, để người dân hiểu và cùng làm, cấp ủy chính quyền, đoàn thể đã cùng Tổng đội Thanh niên xung phong 9 rất nhiều lần xuống cùng sinh hoạt, cùng bàn và giúp dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.
Sau nhiều năm cố gắng, hiện nay người dân đã trồng được gần 12ha nghệ đỏ, hơn 5ha bo bo, sản xuất rau màu các loại, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tất cả các loại nông sản người dân làm ra đều được tổng đội bao tiêu đầu ra nên ai cũng phấn khởi và hăng hái sản xuất.
“Cây nghệ đỏ thu hoạch được từ 6-7 tấn mỗi vụ, với giá 5.000 đồng/kg, cho thu nhập trung bình từ 30-40 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, năm vừa qua, quả bo bo được giá 50.000 đồng/1kg khô, bình quân mỗi hộ thu hoạch được 15-20 triệu/năm”, ông Thái phấn khởi chia sẻ.
Theo ông Thái, nếu như những ngày đầu về bản mới chỉ có 30 hộ thì nay đã có 75 hộ, với hơn 300 khẩu. Tình trạng di cư tự do đã không còn, con cháu được tới trường học hành đầy đủ và có đến 90% số hộ có phương tiện đi lại, nghe nhìn.
Trẻ em Huồi Sơn đến tuổi đều được đến trường. Ảnh May Huyền. |
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, bản Huồi Sơn luôn giữ vững bản văn hóa, người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng gia đình, hạnh phúc, ấm no.
Dẫu rằng, cuộc sống bà con Huồi Sơn của xã biên giới Tam Hợp vẫn còn những khó khăn trước mắt. Nhưng tiếng nô đùa của trẻ nhỏ sau giờ tan học, những gương mặt rạng rỡ của bà con sau một ngày trên nương rẫy trở về nhà đã minh chứng cho một sự đổi thay nơi sơn cước.