back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine
Ông Vừ Vả Chống bên những gốc cây pơ mu do ông trồng cách đây 20 năm. Ảnh: Phạm Tâm.

Người Mông hồi sinh cây pơ mu, sa mu nơi miền Tây xứ Nghệ

GD&TĐ - Nhờ tình yêu với rừng, người dân tộc Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) đã trồng và hồi sinh hàng trăm ha rừng pơ mu, sa mu quý giá. 

Người đưa rừng về bản

Từ bao đời nay, cuộc sống người đồng bào dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) luôn gắn liền với cây pơ mu, sa mu. Ở nơi nào có 2 loài cây này thì ở đó có người Mông sinh sống, bởi theo quan niệm của đồng bào, những vùng đất này sẽ ít ruồi muỗi, bệnh tật.

Gỗ cây pơ mu, sa mu rất tốt, không mối mọt, lại có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng nên người Mông thường dùng để dựng nhà. Đặc biệt, gỗ có tinh dầu nên bà con thường dùng để làm mái nhà hàng chục năm không mối mọt, hư hỏng.

Tuy nhiên, trước những năm 1990, những cánh rừng ở Kỳ Sơn bị tàn phá nặng nề. Phần vì đói nghèo, phần vì nhận thức còn hạn chế nên nhiều người dân nơi đây đã đua nhau đi phá rừng để làm nương, rẫy. Những cánh rừng pơ mu, sa mu quý hiếm gắn liền với cuộc sống, văn hoá người Mông nhanh chóng bị đốn hạ.

Cánh rừng pơ mu và sa mu gần của gia đình Vừ Vả Chống. Ảnh: Phạm Tâm

Cánh rừng pơ mu và sa mu gần của gia đình Vừ Vả Chống. Ảnh: Phạm Tâm

Bên dưới tán rừng, ông Chống (bên phải) còn trồng thêm chè Shan tuyết kết hợp với chăn nuôi. Ảnh: Phạm Tâm

Bên dưới tán rừng, ông Chống (bên phải) còn trồng thêm chè Shan tuyết kết hợp với chăn nuôi. Ảnh: Phạm Tâm

Rừng mất nhưng cuộc sống của người dân địa phương cũng chẳng khá lên mà đói nghèo vẫn bủa vây. Để rồi, khi nhìn về những cánh rừng đang “chảy máu” những người từng gắn bó với rừng trở nên xót xa, nuối tiếc.

Trước thực trạng đó, ông Vừ Vả Chống (SN 1967, trú tại bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) trăn trở, muốn khôi phục lại cánh rừng Pơ mu nên đã cặm cụi đi tìm giống cây trồng lại rừng.

“Trước đây, tôi từng có thời gian đi bộ đội. Thời đó, bọn thổ phỉ hoạt động mạnh, tôi tham gia tiêu diệt bọn thổ phỉ trong rừng cây pơ mu xanh bạt ngàn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê, thấy rừng Pơ mu ngày càng bị tàn phá, đất trống, đồi trọc, trong đầu chợt nghĩ đến cánh rừng Pơ mu xanh bạt ngàn năm xưa”, ông Chống chia sẻ.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng rừng của ông Chống còn tạo vẻ đẹp cảnh quan. Ảnh: Phạm Tâm.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng rừng của ông Chống còn tạo vẻ đẹp cảnh quan. Ảnh: Phạm Tâm.

Những cây pơ mu, sa mu 20 năm tuổi cao hàng chục mét, thân tròn đường kính từ 30-50cm. Ảnh: Phạm Tâm

Những cây pơ mu, sa mu 20 năm tuổi cao hàng chục mét, thân tròn đường kính từ 30-50cm. Ảnh: Phạm Tâm

Sau khi xuất ngũ, ông Chống liền lên xã xin nhận một vùng đồi trọc để phục vụ sản xuất. Những năm đầu, ông chỉ nuôi gà, trồng chè xanh. Khi chè và gà đã cho thu hoạch thì ông bán, trích một phần tiền mua cây giống pơ mu và sa mu về trồng.

Do thiếu kinh nghiệm nên lứa cây đầu tiên của ông Chống bị chết rất nhiều. Không chịu bỏ cuộc, ông quyết tâm lặn lội hàng chục cây số đến xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây pơ mu, sa mu.

Giờ đây, sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, ông Vừ Vả Chống đã sở hữu khu rừng rộng hơn 10ha với hơn 8.000 cây pơ mu, sa mu cao lớn quý hiếm. Đặc biệt, dưới tán cây pơ mu, sa mu là gần 3ha cây chè tuyết Shan của ông Chống phát triển rất tươi tốt.

Nhận thấy hiệu quả của việc trồng cây pơ mu trong vườn chè, nhiều người dân trong xã trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Nhờ ông Chống mà cánh rừng pơ mu, sa mu ở xã Huồi Tụ nay đã mở rộng lên gần 20ha.

Nhờ nhu cầu trồng cây pơ mu, sa mu ngày càng nhiều, ông Chống đã nhân giống bán cho bà con với giá 15.000 đồng/cây, đây là một nguồn thu nhập không nhỏ của gia đình ông.

Cây pơ mu và sa mu là 2 loại gỗ quý, cùng họ với hoàng đàn. Do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và đặc tính không bị mối mọt nên thường được sử dụng để làm các đồ tạo tác mĩ thuật, các loại đồ gia dụng. Ảnh: Phạm Tâm.

Cây pơ mu và sa mu là 2 loại gỗ quý, cùng họ với hoàng đàn. Do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và đặc tính không bị mối mọt nên thường được sử dụng để làm các đồ tạo tác mĩ thuật, các loại đồ gia dụng. Ảnh: Phạm Tâm.

Pơ mu và sa mu được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, hiện nay đang được xếp vào Danh mục thực vật Nhóm IA - nhóm nguy cấp, quý, hiếm. Ảnh: Phạm Tâm.

Pơ mu và sa mu được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, hiện nay đang được xếp vào Danh mục thực vật Nhóm IA - nhóm nguy cấp, quý, hiếm. Ảnh: Phạm Tâm.

Hiện nay, số lượng 2 loài cây còn lại rất ít và phân bố ở một số khu vực hẹp với số lượng không nhiều thuộc các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa và nhiều nhất tại Nghệ An. Ảnh: Phạm Tâm.

Hiện nay, số lượng 2 loài cây còn lại rất ít và phân bố ở một số khu vực hẹp với số lượng không nhiều thuộc các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa và nhiều nhất tại Nghệ An. Ảnh: Phạm Tâm.

Không chỉ trồng rừng giỏi, ông Chống còn là điển hình về chăn nuôi giỏi. Dưới rừng pơ mu và tán chè tuyết Shan xanh tốt là hơn chục con bò và hàng trăm con gà đen và lợn rừng… Mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 4 -5 lao động địa phương.

Ông Vừ Vả Chống phấn khởi chia sẻ, chính nhờ 10ha đất rừng của gia đình mà ông đã nuôi được các con ăn học tử tế. Người con đầu đã xong đại học, hiện là giáo viên, 2 người con thứ hiện cũng đang theo học đại học.

“Mấy năm trong quân ngũ, tôi đã học được rất nhiều điều, nhất là phải bảo vệ rừng. Khi thấy rừng đã bị phá hết, tôi tiếc lắm, nên tôi có tâm nguyện phải phục hồi lại rừng. Hơn 10ha cây pơ mu, sa mu của đã có nhiều người đến hỏi mua với giá hàng chục tỷ đồng nhưng tôi quyết không bán cây nào”, ông Chống tâm sự.

Ông Vừ Vả Chống mong muốn biến cánh rừng pơ mu, sa mu của gia đình thành khu du lịch sinh thái, qua đó tuyên truyền để người dân thêm yêu và quý trọng rừng. Ảnh: Phạm Tâm.

Ông Vừ Vả Chống mong muốn biến cánh rừng pơ mu, sa mu của gia đình thành khu du lịch sinh thái, qua đó tuyên truyền để người dân thêm yêu và quý trọng rừng. Ảnh: Phạm Tâm.

Người đàn ông này còn cho biết, gia đình ông đang “ấp ủ” biến hơn 10ha rừng pơ mu, sa mu và chè Shan tuyết này thành khu du lịch sinh thái, để người dân địa phương và du khách đến tham quan.

“Tôi làm khu sinh thái này không bán vé kiếm tiền, mà chỉ để thay đổi nhận thức của dân bản về rừng. Đơn giản là trồng, bảo vệ và giữ rừng cho tương lai con em chúng ta và cho tất cả cộng đồng”, ông Chống chia sẻ.

Giống cây “trời ban” của người Mông

Cách Huồi Tụ khoảng 60km, xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) được xem là thủ phủ của cây pơ mu, sa mu. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn xã Tây Sơn có gần 100ha, trong đó rừng pơ mu gần 90ha, sa mu hơn 10ha tập trung ở 3 bản Huồi Giảng 1,2,3. Với giá trị mỗi ha ước tính lên tới trên 500 triệu đồng, những cánh rừng pơ, mu sa mu hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế rất lớn.

Cánh rừng pơ mu và sa mu hàng chục năm tuổi ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn.

Cánh rừng pơ mu và sa mu hàng chục năm tuổi ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn.

Ông Vừ Dúng Mà (SN 1973, trú tại bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn) cho biết, gia đình ông trồng và nhận chăm sóc bảo vệ gần 1ha cây pơ mu và sa mu. Tiền dịch vụ bảo vệ môi trường rừng mỗi năm dù không được nhiều nhưng cũng giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập.

Theo ông Mà, gỗ cây pơ mu, sa mu rất tốt, không bị mối mọt, lại có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng nên đồng bào người Mông thường dùng để dựng nhà, lợp mái. Ngoài ra, 2 giống cây này còn có tác dụng chống sạt lở, bảo vệ đất đai, bảo vệ bản làng.

Tận dụng vẻ đẹp "trời ban" của những cánh rừng pơ mu và sa mu, người dân huyện miền núi Kỳ Sơn đang muốn biến nơi đây thành những địa điểm tham quan du lịch, qua đó phát triển kinh tế. Ảnh: Phạm Tâm.
Tận dụng vẻ đẹp "trời ban" của những cánh rừng pơ mu và sa mu, người dân huyện miền núi Kỳ Sơn đang muốn biến nơi đây thành những địa điểm tham quan du lịch, qua đó phát triển kinh tế. Ảnh: Phạm Tâm.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, pơ mu và sa mu là cây gỗ quý hiếm phát triển tốt ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Hiện, huyện Kỳ Sơn đang tăng cường quản lý và bảo vệ rừng pơ mu, sa mu đồng thời, nhân rộng ra các xã có điều kiện khí hậu tương đồng như xã Huồi Tụ, Tây Sơn.

Ngoài ra, tận dụng những cánh rừng pơ mu và sa mu đẹp mà một số hộ dân đã mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng, trở thành điểm dừng chân ở các tour, tuyến du lịch. Không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập, phát triển kinh tế mà đây còn là cách để tuyên truyền người dân quý trọng rừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.