Thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tận dụng lòng hồ thủy điện, người dân huyện Quế Phong (Nghệ An) nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước vươn lên làm giàu.

Ông Quang Mạnh Dần thu hoạch cá để bán cho thương lái. (Ảnh: Phạm Tâm)
Ông Quang Mạnh Dần thu hoạch cá để bán cho thương lái. (Ảnh: Phạm Tâm)

“Mỏ vàng” trên lòng hồ thủy điện

Hủa Na là nhà máy thủy điện lớn thứ 2 ở Nghệ An với công suất 180MW/năm. Nhờ lưu vực lòng hồ lớn (hơn 5.000km2), nhiều người dân huyện Quế Phong đã tận dụng để nuôi cá lồng, cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2013, ban đầu lòng hồ Hủa Na chỉ có 10 hộ dân đầu tư nuôi cá lồng, nhưng đến nay đã có gần 100 hộ tham gia với hơn 600 lồng cá.

Những loài cá được người dân nuôi nhiều như trắm cỏ, rô phi, diêu hồng và một số đặc sản khác như cá lăng, cá leo…

Nhờ đầu tư bài bản, nghề nuôi cá lồng đã trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Đang tất bật kéo lưới mẻ cá trắm, ông Trần Văn Thuận (trú bản Na Chảo, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) cho biết, gia đình có 70 lồng nuôi các loại cá trắm, cá diêu hồng, cá bọp, cá leo…

Giá bán khoảng 50.000 đồng/kg cá trắm; 100.000 đồng/kg cá leo; 120.000 đồng/kg cá vược, cá lăng sau khi trừ chi phí thức ăn và tiền công, mỗi năm gia đình thu về hơn 600 triệu đồng tiền lãi.

Theo ông Thuận, nghề nuôi cá lồng trên dòng sông Chu (một phụ lưu của sông Lam) đã có từ lâu. Tuy nhiên, do mực nước thay đổi thường xuyên khiến việc chăm sóc cá gặp nhiều khó khăn.

Mọi thứ thay đổi từ khi người dân được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, mở các lớp tập huấn cách chăm sóc, bố trí lồng phù hợp. Nhờ đó các lứa cá phát triển nhanh, ít dịch bệnh hơn.

Nghề nuôi cá lồng đã trở thành một sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.

Nghề nuôi cá lồng đang trở thành mũi nhọn kinh tế giúp người dân 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Phạm Tâm.

Nghề nuôi cá lồng đang trở thành mũi nhọn kinh tế giúp người dân 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Phạm Tâm.

Cách bè của ông Thuận không xa, gia đình ông Quang Mạnh Dần (trú bản Năng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) cũng đang nuôi 7 lồng cá trắm.

Giống như những hộ khác, ông Dần nuôi cá bằng các loại thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ và cá mương nhỏ xay nhuyễn.

Mỗi lồng thả từ 200 - 300 con cá giống, nếu thời tiết thuận lợi, sau 1 năm cá sẽ cho thu hoạch.

Tùy nhu cầu của khách mua mà ông Dần có thể chọn tỉa cá bán dần trong lồng. Sau khi thu hoạch, cá được các nhà hàng ở TP Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Đô Lương lên tận nơi thu mua.

Với giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Dần thu về gần 100 triệu đồng.

Theo ông Dần, điều người dân lo lắng là ở địa phương không có trại ươm giống cá quy mô lớn, chính vì thế người dân còn phải phụ thuộc con giống từ các thương lái.

Khi vận chuyển cá giống đi xa, một số loài cá không thích nghi được với điều kiện khí hậu thời tiết vùng núi, do vậy chất lượng con giống không cao, cá chậm phát triển.

Hướng đi xóa đói giảm nghèo

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An hỗ trợ người dân huyện Quế Phong xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng trên lòng hồ. Đây là loài cá dễ nuôi, khả năng tiêu thụ tốt.

Do được chăm sóc, điều kiện sống phù hợp nên lứa cá đầu tiên sinh trưởng và phát triển nhanh.

Hiện Trung tâm Khuyến nông đang kết nối với một số doanh nghiệp giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.

Người dân nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hủa Na. Ảnh: Phạm Tâm.

Người dân nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hủa Na. Ảnh: Phạm Tâm.

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho biết, từ nhiều năm trở lại đây, nuôi cá lồng hồ thủy điện đã giúp người dân 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.

Nghề nuôi cá lồng ở đây cũng đang gặp phải một số khó khăn như lượng nước thay đổi thường xuyên khiến việc chăm sóc cá vất vả. Người dân phải di dời lồng nhiều lần trong năm.

Đặc biệt, kiểu nuôi manh mún, nhỏ lẻ chưa gắn kết được với chuỗi tiêu thụ sản phẩm nên cá thương phẩm có thời điểm khó bán và giá không ổn định.

Vì vậy, để nghề nuôi cá ở địa phương phát triển bền vững, cần xây dựng một số mô hình theo chuỗi giá trị có bao tiêu sản phẩm để người dân an tâm sản xuất. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Theo ông Dũng, hằng năm, huyện đều rà soát và hỗ trợ người dân cá giống, lồng cá theo Nghị quyết 14 năm 2017 của HĐND tỉnh; trong đó, hỗ trợ từ 5-15 triệu đồng/lồng cá và trợ giá cá giống từ mức 50-70% đối với hộ nuôi tùy thuộc khu vực.

Huyện Quế Phong cũng đã lồng ghép một số chương trình mục tiêu quốc gia, mở các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người dân nâng cao kiến thức, nắm rõ quy trình chăm sóc cũng như nhận biết và chữa bệnh cho cá.

Nghệ An có hơn 1.000 hồ thủy lợi, hồ thủy điện có tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá trong vùng lòng hồ. Năm 2015, tỉnh đã phê duyệt Đề án về phát triển thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Mục tiêu của đề án là nâng diện tích nuôi lên 10.301ha; giá trị đạt 180,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 2.350 lao động thường xuyên, 10.000 lao động thời vụ và dịch vụ cung ứng phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ