Quản lý để điều chỉnh dạy học, kiểm tra, đánh giá
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc đối sánh điểm thi tốt nghiệp và kết quả học tập, ngành Giáo dục đã có học bạ điện tử, trong đó gồm kết quả điểm trung bình các môn học lớp 12 của học sinh. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phổ điểm. Còn lại, các sở GD&ĐT, nhà trường sẽ công bố việc đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm ghi trong học bạ của học sinh. Qua đó, có thông tin chung về mức độ yêu cầu về đánh giá học sinh trong nhà trường so với yêu cầu đánh giá học sinh của kỳ thi. Kết quả đối sánh nhằm mục tiêu quản lý để điều chỉnh việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường, phản ánh một phần về tính trung thực của kỳ thi.
“Kết quả dạy học ở các trường sẽ có khoảng cách nhất định với việc ra đề của Bộ GD&ĐT. Nếu đề khó, điểm thi thấp cho rằng các trường mắc bệnh thành tích; đề dễ mà điểm cao lại đánh giá có tiêu cực trong thi cử. Khoảng cách này hiện nay vẫn còn, nên nguy cơ trên rất dễ xảy ra. Làm như thế nào thu hẹp khoảng cách trên là điều quan tâm để có thể tìm được tiếng nói chung. So sánh điểm thi tốt nghiệp với quá trình học tập, theo tôi, đó chính là bước đầu và là một khía cạnh trong đánh giá chất lượng đầu ra. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ đưa giáo dục gần với thực tiễn cuộc sống hơn, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” – ông Hà Đình Sơn nêu quan điểm.
Từng nhiều năm làm quản lý trường THPT công lập, nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool (Bắc Giang), ông Hà Đình Sơn cho rằng: Đối sánh kết quả thi và điểm học bạ là hướng đi hợp lý để đưa chất lượng giáo dục đi vào thực chất. Tất nhiên, phải có nhìn nhận toàn diện về vấn đề này, đánh giá rõ ưu điểm và hạn chế, những cơ hội và thách thức để có giải pháp phù hợp với thực tiễn cũng như tâm lý của thầy cô và phụ huynh. Đó là một quá trình cần phải kiên trì và quyết tâm làm, nhưng cũng cần có lộ trình từng giai đoạn.
Còn theo ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam – Bộ GD&ĐT có chủ trương đối chiếu điểm bài thi của từng thí sinh với kết quả học tập của học sinh qua học bạ và nghiên cứu phổ điểm bài làm của thí sinh ở mỗi địa phương, qua đó có thêm căn cứ đánh giá thực chất kết quả dạy và học ở các trường cũng như công nhận tính trung thực của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc nên làm. “Chúng tôi đồng tình cao về mặt khoa học giáo dục cũng như ý nghĩa trong thực tiễn của quá trình kiểm tra và đánh giá ở các nhà trường” – ông Đặng Tự Ân cho hay.
Không thể đòi hỏi một sự tương đồng tuyệt đối
TS Nguyễn Văn Cường cho rằng: Những biện pháp quản lý góp phần tăng cường tính trung thực, khách quan của việc đánh giá và cho điểm trong hệ thống giáo dục, nhưng không thể đòi hỏi một sự tương đồng tuyệt đối giữa điểm quá trình và điểm thi tốt nghiệp trong trường hợp cụ thể.
TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) nhận định: Đối chiếu kết quả học tập của học sinh trong quá trình học với kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng cường tính minh bạch thông tin cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tính khách quan của đánh giá kết quả quá trình học tập của học sinh. Biện pháp này sẽ có tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa các tiêu cực có thể liên quan đến hồ sơ học tập (học bạ) của học sinh. Bởi nếu học sinh có điểm học bạ “cao vút”, “long lanh”, nhưng điểm thi tốt nghiệp lại thấp có thể có bất thường ở đâu đó, cần các biện pháp xử lý nghiệp vụ.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Cường cũng lưu ý: Công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát, mà không công bố dữ liệu cá nhân là biện pháp tích cực giúp tăng cường tính minh bạch, khách quan của việc đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình học tập. Tuy nhiên, nếu công bố công khai kết quả học tập trong quá trình học tập của học sinh với kết quả thi tốt nghiệp THPT dẫn đến việc công khai thông tin cá nhân của học sinh thì cần kiểm tra lại tính pháp lý của việc này.
“Mỗi nước có những quy định pháp luật khác nhau về bảo vệ thông tin cá nhân. Ở các nước phát triển, quy định pháp lý về bảo vệ thông tin cá nhân rất chặt chẽ. Ví dụ ở Đức, ngay việc trả bài kiểm tra thường xuyên trong lớp học, giáo viên không được phép công khai điểm của mỗi học sinh trước lớp học. Tuy nhiên, giáo viên có thể biểu dương một số bài làm tốt, để truyền cảm hứng cho toàn lớp. Tương tự, điểm thi tốt nghiệp của học sinh là thông tin cá nhân, không công khai toàn trường. Tuy nhiên, hằng năm các trường có thể vinh danh một số cá nhân đạt kết quả xuất sắc trong buổi lễ tốt nghiệp của trường. Dữ liệu chung về kết quả thi tốt nghiệp cũng như các kỳ thi so sánh chất lượng hằng năm được công khai phục vụ cho mục tiêu quản lý chất lượng giáo dục mà không liên quan đến thông tin cá nhân” – TS Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Chuyên gia đến từ ĐH Potsdam cũng nói thêm về các mô hình đánh giá và cho điểm trong trường phổ thông. Theo đó, có 3 mô hình đánh giá và cho điểm khác nhau được sử dụng trong nhà trường phổ thông, bao gồm: Đánh giá khách quan - dựa trên yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục; Đánh giá định hướng nhóm - định hướng theo sự phân hóa trong một lớp cụ thể; Đánh giá định hướng cá nhân - định hướng theo mục tiêu sư phạm nhằm khuyến khích cá nhân.
Mô hình đánh giá khách quan cần là mô hình chủ đạo để bảo đảm tính khách quan của kết quả đánh giá, đặc biệt ở bậc THPT. Tuy nhiên, mô hình định hướng nhóm và định hướng cá nhân vẫn có vai trò nhất định. Ngoài ra, không loại trừ một thực tế là các giáo viên khác nhau có phong cách cho điểm rộng hay chặt khác nhau. Một số học sinh với những nguyên nhân khác nhau, làm bài thi tốt nghiệp cũng không tương xứng với lực học thực tế hàng ngày. Từ đó, có thể thấy điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp không phải lúc nào cũng tương đồng tuyệt đối.