Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục

Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục
Học sinh Trường Tiểu học Bắc Hà - Lào Cai trong giờ tiếng Việt. Ảnh: V.H
Học sinh Trường Tiểu học Bắc Hà - Lào Cai trong giờ tiếng Việt. Ảnh: V.H
 

(GD&TĐ) - Giáo dục Vùng thi đua số 1 gồm 15 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc vốn được coi là vùng trũng về chất lượng. Những năm qua, với sự quan tâm cũng như đầu tư của ngành, của chính quyền các cấp, sự nghiệp GD vùng này đã có sự khởi sắc. Đặc biệt, tỉnh miền núi Sơn La có HS 2 năm liền đoạt giải Huy chương Vàng quốc tế môn Vật lý.

Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, giao thông đi lại khó khăn, nhiều điểm trường lẻ cắm bản, chủ yếu là HS dân tộc thiểu số nhưng đội ngũ GV còn thiếu cả về số lượng, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Để GD vùng 1 kéo gần khoảng cách so với các vùng phát triển, rất cần đội ngũ GV có tâm, có chuyên môn giỏi.

Cái nhìn cận cảnh

Toàn Vùng hiện nay có tổng số gần 313.000 cán bộ, GV nhân viên, trong đó có hơn 207.000 GV. Cơ bản đội ngũ các cấp học, ngành học đến nay tương đối đủ, ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các đồng bào dân tộc. 

Song do đặc thù của vùng, chỉ thiếu GV ở một số môn Nhạc, Thể dục, Họa. Trong những năm qua, với việc chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao trình độ GV đứng lớp cũng như coi trọng khâu tuyển dụng đầu vào, cho nên xét ở góc độ bằng cấp thì nhiều tỉnh trong vùng có tỉ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Đặc biệt các tỉnh vùng khó nhiều trường ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có 100% GV đạt chuẩn, tỉ lệ GV trên chuẩn chiếm khoảng 60 - 70%.

Nhưng nếu xét ở góc độ năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp thì đây là bài toán tồn tại, nan giải nhất của hầu hết các tỉnh trong vùng. Chỉ đơn cử ở môn Tiếng Anh khi triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 khó khăn nhất của các tỉnh miền núi đó chính là đội ngũ GV. 

Trong nhiều cuộc Hội thảo đề cập đến đội ngũ GV các chuyên gia cũng như các nhà quản lý các Sở GD&ĐT chỉ rõ: Hầu hết GV bất cập trình độ, không đạt yêu cầu giảng dạy. GV tuyển từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là do hệ quả của một thời gian dài để lại. Một bộ phận từ GV Tiếng Nga chuyển sang; Một số GV được đào tạo cấp tốc thông qua hình thức đào tạo không chính qui.

Vì thế, số lượng GV cung ứng cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của qui mô HS nhưng chất lượng lại hạn chế. Nguyên nhân chính là do bản thân GV hạn chế năng lực ngay từ khâu đầu vào, ảnh hưởng trực tiếp tới đầu ra khi tốt nghiệp. 

 Khi tiến hành khảo sát chất lượng GV dạy Tiếng Anh, ở Điện Biên với hơn 100 GV chỉ có vài người đạt. Sở GD&ĐT Lạng Sơn sau khi tiến hành khảo sát tỉ lệ GV khá giỏi đạt 11%, trung bình chiếm khoảng 50%, còn lại loại yếu chiếm hơn 30%.

Ở Thái Nguyên, có 82/186 GV có điểm cao nhất qua khảo sát dự thi cấp chứng chỉ quốc tế thì chỉ có 12  người đạt B1 và B2, chưa có ai đạt C1. Còn tại Bắc Kạn, khi triển khai Đề án bởi khi khảo sát trên 250 GV dạy Tiếng Anh tất cả đều không đạt chuẩn. Chủ yếu GV có trình độ xếp loại A1 và A2. 

Đội ngũ GV cơ bản đủ về số lượng, song vẫn chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, dẫn đến tình trạng thiếu GV ở một số môn học. Thậm chí, các môn học cơ bản cũng chỉ đủ GV đứng lớp hiện tại bởi nếu các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT triển khai muộn, nhiều địa phương rất khó khăn trong việc cử GV đi tập huấn vì không có GV dạy thay thế. Đó là trăn trở của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, ông Nguyễn Sỹ Quân.

Đặc biệt khi tiến hành Phổ cập MN 5 tuổi, GV mầm non ở một số địa phương chưa đủ định mức GV/lớp. Đấy là chưa kể một lượng lớn GV đứng tuổi vẫn tham gia trực tiếp giảng dạy các lớp nhà trẻ, mẫu giáo.

Chế độ chính sách cho GV mầm non ngoài biên chế chưa đảm bảo, nhiều cơ sở GD chưa có nhân viên viên y tế, thiếu nhân viên phục vụ; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, nhất là ở vùng miền núi, vùng khó khăn các lớp học cắm bản, các điểm trường lẻ. 

Đâu là giải pháp?

Qua thực tế quản lý ở cơ sở cũng như nhiều chuyên gia đầu ngành thừa nhận đội ngũ GV quyết định đến chất lượng GD. Chính vì thế, nhiệm vụ then chốt của các tỉnh đó chính là bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho GV. Hàng năm nhiều thầy cô giáo đã được tham gia tập huấn và triển khai có hiệu quả chương trình bồi dưỡng các cấp học theo yêu cầu của Bộ, Sở.

Để giải quyết tốt bài toán nâng cao chất lượng GD toàn diện, đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương, ngành GD các tỉnh Vùng 1 đã có những giải pháp nâng chuẩn cho đội ngũ. Ngoài các lớp bồi dưỡng, tập huấn của Bộ, một số tỉnh quan tâm mở được nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngu ở các cấp học cho CB, GV, điển hình như tỉnh Phú Thọ, Điện Biên, Lạng Sơn, Lào Cai.

GV các tỉnh tích cực tham gia các cuộc giao lưu, thi GV dạy giỏi cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Bắc Giang, Phú Thọ được quan tâm chỉ đạo, đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, triển khai đề tài cấp tỉnh. 

 Ngoài ra, hàng năm các Sở đã làm tốt công tác dự báo nên tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GD theo quy định, phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của địa phương mình. 

Vì thế, đội ngũ GV vùng khó không ngừng nâng cao chất lượng cả về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay. Trường ĐH Thái Nguyên cho đến thời điểm này đã giúp đào tạo gần 1.000 GV cho 10 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, góp phần nâng chuẩn cho GV vùng khó ở môn tiếng Anh.

Nhằm đáp ứng đổi mới phương pháp trong dạy và học, bản thân thầy cô cũng cần tự bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho chính mình. Các đơn vị nhà trường trong Vùng đã phát động trong cán bộ, GV phong trào tự học, tự nghiên cứu với nhiều hình thức phong phú như: Hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về phẩm chất đạo đức nhà giáo; tổ chức tuyên dương khen thưởng nhà giáo tiêu biểu, GV dạy giỏi. Cán bộ GV tích cực tự học, tự nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong giảng dạy, làm đồ dùng và thiết bị dạy học. 

Năm học mới 2013 - 2014 một trong những giải pháp quan trọng nhất đặt ra cho giáo dục Vùng 1 chính là tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ.

Theo đó sẽ triển khai quy chế bồi dưỡng thường xuyên GV mầm non, phổ thông và GDTX nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp của đội ngũ theo yêu cầu chuẩn nghề nghiệp GV các cấp.

Ba tỉnh gồm Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh kết hợp cả 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển, qua đó đã chủ động tuyển được những viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và tuyển được tối đa số lượng giáo viên theo kế hoạch biên chế...vv.

Bộ GD&ĐT: Nhiệm vụ trọng tâm năm học mới 2013 - 2014 coi trọng tập trung cho đội ngũ là khâu then chốt. Do đó, sẽ thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD; Triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành Sư phạm và các trường sư phạm đến năm 2020; Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV, cán bộ quản lý và nhân viên ngành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...vv.  

 GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Vai trò của GV đứng lớp quyết định thành bại của một nền GD.

Hoàng Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ