Đối ngoại tháng 4: Khẳng định những quan điểm chiến lược

Trọng tâm của các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Chính phủ trong tháng 4 là nhằm khẳng định những quan điểm chiến lược về phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác thực chất với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, đối tác chủ chốt.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Phu nhân đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân. Ảnh: VGP
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Phu nhân đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân. Ảnh: VGP

Quan tâm đặc biệt trong quan hệ với Campuchia, Lào

Những ngày cuối cùng của tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Campuchia và Lào trước khi lên đường sang Philippines dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30.

Chuyến thăm Campuchia và Lào đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đối với mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi cởi mở với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith về nhiều vấn đề, đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, giáo dục giữa Việt Nam với hai nước.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý, hai chuyến thăm của Thủ tướng đã “mang đến cho nhân dân Campuchia và Lào anh em những tình cảm vô cùng thắm thiết, chân thành của nhân dân Việt Nam, thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị cũng như mối quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa Việt Nam với Campuchia và Việt Nam với Lào”.

Tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác ngày càng thực chất giữa Việt Nam với Campuchia và Lào sẽ góp phần củng cố tình đoàn kết, thống nhất của Cộng đồng ASEAN, nhất là trước những chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực thời gian qua. 

Ngày 26/4, tại Vientiane, trong chuyến thăm chính thức CHDCND Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúccó cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: VGP
Ngày 26/4, tại Vientiane, trong chuyến thăm chính thức CHDCND Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúccó cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: VGP

Nền tảng cho sự thành công của ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Philippines diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN với một thực tế đã được kiểm chứng: ASEAN mạnh khi có sự đoàn kết nội bộ.

Đoàn kết là cơ sở để ASEAN vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên, lớn mạnh và cũng là cơ sở để tạo nên tiếng nói thống nhất, lập trường chung trước các cường quốc, các đối tác quốc tế và tạo cho ASEAN có vị thế, vai trò ngày càng lớn trên thế giới.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng hình mẫu liên kết khu vực thành công dựa trên nền tảng đoàn kết và thống nhất giữa các thành viên ASEAN sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhất lợi ích của người dân và ngày càng có vị thế xứng đáng ở khu vực.

Thủ tướng cho rằng các thách thức đa chiều của tình hình quốc tế và khu vực vừa là phép thử chiến lược, vừa là cơ hội để ASEAN chứng tỏ bản lĩnh và vai trò trung tâm trong việc xử lý các vấn đề khu vực. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp hẹp,Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp hẹp,Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: VGP

Chia sẻ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông… Thủ tướng cho rằng ASEAN cần đề cao các nguyên tắc cơ bản và lập trường chung về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Malaysia, Trưởng đoàn Myanmar Aung San Suu Kyi, Quốc vương Brunei Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, và Tổng thống nước chủ nhà Philippines Rodrigo Roa Duterte để bàn về thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước và hợp tác trong ASEAN.

Lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại

Phát biểu tại phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, diễn ra tại Bắc Kinh sáng 17/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, coi đây là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chứng kiến lễ ký “Biên bản Phiên họp lần thứ 10 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc”. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chứng kiến lễ ký “Biên bản Phiên họp lần thứ 10 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc”. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc hai bên duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, củng cố và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống sẽ góp phần thúc đẩy, tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực hợp tác, tạo điều kiện và ủng hộ giao lưu, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước.

Đồng thời, việc kiểm soát tốt bất đồng, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Sẵn sàng hợp tác cùng chính quyền mới của Hoa Kỳ

Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và sẵn sàng làm việc với chính quyền mới của Hoa Kỳ nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện vững mạnh, ổn định, lâu dài, xây dựng và cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị, vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế; cho rằng hai bên cần duy trì đà phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại - là trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác về giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng và khắc phục hậu quả chiến tranh, nhân đạo…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa KỳRex Tillerson.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa KỳRex Tillerson.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã có cuộc gặp với Quyền Đại diện thương mại Hoa Kỳ Stephen Vaught; tiếp nhóm các Trợ lý Nghị sĩ của hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, Ban lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Quỹ Heritage Foundation, Ban lãnh đạo Hội đồng thương mại Hoa Kỳ và đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang kinh doanh ở Việt Nam.

Các Trợ lý Nghị sĩ Hoa Kỳ khẳng định sự ủng hộ của lưỡng đảng, coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam; cam kết sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh, nhất là vấn đề tẩy độc da cam/dioxin, rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và đánh giá cao các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã tạo sân chơi công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, hoan nghênh việc lãnh đạo hai nước tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc; khẳng định ủng hộ mạnh mẽ và sẽ tích cực hỗ trợ nhằm bảo đảm cho thành công của năm APEC 2017 tại Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Thủ tướng Mark Rutte trao đổi các vấn đề nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Thủ tướng Mark Rutte trao đổi các vấn đề nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan. Ảnh: VGP

Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Hà Lan, Ireland và Anh

Nhận lời mời của Chính phủ Hà Lan, Ireland và Anh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thăm làm việc tại 3 nước châu Âu từ 18-27/4.

Tại Hà Lan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ mong muốn Hà Lan sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước, triển khai tốt hai thoả thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững, mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh truyền thống như hàng hải, kinh tế biển, năng lượng…

Việt Nam mong muốn Hà Lan tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, nguồn nhân lực, nguồn vốn và các công nghệ hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, gồm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên-môi trường, chống khô hạn, xâm nhập mặn, quản lý cấp-thoát nước, khai thác và sử dụng nước ngầm, đặc biệt là xử lý vấn đề sụt lún và xói mòn bờ sông, bờ biển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng cũng đã thăm, làm việc với Chính quyền Cảng Rotterdam, nghe các bài giới thiệu về quy hoạch, mô hình quản lý, vận hành, khai thác cảng; đồng thời gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan trong ngành vận tải hàng hải, dịch vụ hậu cần, đóng tàu, quy hoạch, xây dựng, điều hành cảng…

Tại Ireland, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hội kiến Tổng thống Ireland Michael D. Higgins; làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Hải dương Michael Creed và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Charles Flanagan.

Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao các dự án hợp tác phát triển của Ireland đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Ireland; đề nghị Ireland tích cực ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam và công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Ireland chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, môi trường và biến đổi khí hậu; đề nghị Ireland tạo điều kiện cho nông, thủy, hải sản của Việt Nam tiếp cận thị trường Ireland và thông qua Ireland, tiếp cận thị trường châu Âu. 

Tại Cung điện Buckingham, Hoàng tử Andrew dành cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình. Ảnh: VGP
Tại Cung điện Buckingham, Hoàng tử Andrew dành cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm Vương quốc Anh - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước châu Âu - cũng với một lịch trình dày đặc các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, như hội kiến với Công tước xứ York, Hoàng tử Andrew; gặp Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox; Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao, Hạ nghị sĩ Alok Sharma; Quốc Vụ khanh thứ nhất Bộ Tài chính, Hạ nghị sĩ David Gauke; tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Anh trong lĩnh vực tài chính, giáo dục, bất động sản…

Phó Thủ tướng đã chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Hoàng gia và Chính phủ Anh; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Anh, trong đó trọng tâm là hợp tác thương mại-đầu tư, văn hóa-giáo dục, an ninh-quốc phòng.

Phó Thủ tướng đề nghị Hoàng gia và Chính phủ Anh tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; triển khai hiệu quả cơ chế Đối thoại chiến lược Ngoại giao-An ninh-Quốc phòng; ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế - một trong những trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh; khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Anh đầu tư, chuyển giao công nghệ, làm ăn lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Anh như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, dầu khí, công nghệ cao, môi trường…

Về hợp tác tài chính, Phó Thủ tướng đề nghị Anh chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam cải tiến hệ thống quản lý tài chính quốc gia và phát triển thị trường và dịch vụ tài chính; tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Hải quan Anh trong các lĩnh vực chống buôn lậu thuốc lá, đấu tranh chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai bên đẩy mạnh các hoạt động quảng bá văn hoá, du lịch, nhất là trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao vào năm 2018; hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam tham gia; hỗ trợ các dự án rà phá bom mìn...

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ