Từ đó định hướng và đồng hành cùng học sinh của mình, giúp các em tận dụng mọi lợi thế trong mùa tuyển sinh năm tới.
Nhanh chóng bắt nhịp
Thông tin một số trường ĐH sẽ kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh, bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn - thể - mĩ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn... được Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang cập nhật tới giáo viên, người học.
Cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi các trường ĐH dự kiến phương thức tuyển sinh, cán bộ tuyển sinh của trường luôn bám sát để hướng dẫn, trao đổi với HS (qua hệ thống Zalo của giáo viên chủ nhiệm các lớp; lớp trưởng các lớp, giáo viên dạy các đội tuyển văn hóa, thể thao...). Trên cơ sở đó, HS có nguyện vọng được thầy cô tư vấn cụ thể và được hướng dẫn tham khảo tại trang mạng chính thống của Bộ GD&ĐT.
Chuẩn bị, giúp HS thích ứng với phương án tuyển sinh mới, theo cô Nguyễn Phương Lan, nhà trường phối hợp với các tổ chuyên môn đưa nội dung hướng dẫn viết bài luận, phỏng vấn, những nội dung mới có trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH vào bài giảng hoặc hoạt động ngoại khóa để HS có thêm kinh nghiệm, sự tự tin khi xét tuyển.
Đồng thời, tổ chức các cuộc thi, trong đó có nội dung thuyết trình và nội dung khác nhằm phát triển kỹ năng làm việc nhóm... Triển khai Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, nhà trường đã thực hiện triệt để đánh giá thường xuyên với nhiều hình thức phong phú (thuyết trình, sản phẩm học tập... ), tăng cường hoạt động nhóm...
Nhận định của thầy Nguyễn Đức Hùng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên: Việc các trường ĐH đổi mới phương thức tuyển sinh hoàn toàn hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục Việt Nam và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo đó, HS được phát triển hài hòa về năng lực, phẩm chất, trí tuệ, thể chất.
Để giúp HS bắt kịp với xu thế và chủ động tốt nhất trước thay đổi phương thức tuyển sinh, thầy Nguyễn Đức Hùng cho rằng: Giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng kiến thức mới, thường xuyên cập nhật những thay đổi của giáo dục. Đây là điều quan trọng nhất, vì giáo dục muốn thay đổi phải bắt đầu từ người thầy.
Cùng với đó, giáo viên thường xuyên sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, giúp HS tiếp cận kiến thức chủ động, phát huy tính sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề. Việc phát triển sinh hoạt câu lạc bộ trong nhà trường rất cần thiết để HS được giao lưu, học hỏi những kiến thức, thể hiện sở trường, tài năng về các lĩnh vực nghệ thuật; từ đó hình thành ước mơ, niềm tin theo đuổi đam mê của mình.
Thầy Hùng đồng thời nhấn mạnh thêm việc phát triển mô hình “đôi bạn cùng tiến”, “nhóm bạn học tập”; tổ chức các hội thi, hội thao, triển khai dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp trường, cấp cụm. Đồng thời, chú trọng công tác tư vấn học đường, đặc biệt là hướng nghiệp cho HS, trong đó mỗi giáo viên chủ nhiệm là một nhà tư vấn.
Cần tạo nhiều “sân chơi” hơn cho học sinh
Việc đưa các tiêu chí hoạt động xã hội, văn - thể - mĩ vào tuyển sinh, xét tuyển ĐH, theo ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, không phải là mới trên thế giới. Nhiều trường ĐH lớn đã đưa thành tích hoạt động xã hội, văn - thể - mĩ, thư giới thiệu hoặc viết bài luận về các vấn đề xã hội… vào tiêu chí tuyển sinh nhằm tuyển chọn được sinh viên giỏi toàn diện, phù hợp hơn với tiêu chí của ngành nghề.
Ví dụ, nếu chỉ xét tuyển khối A00 vào ngành Sư phạm Toán và ngành Quản trị kinh doanh sẽ khó biết người học thực sự phù hợp với ngành nghề hay không; vì ngành Sư phạm Toán cần yếu tố khác với ngành Quản trị kinh doanh bên cạnh kiến thức về tính toán. Để chọn sinh viên phù hợp với ngành nghề, ngoài IQ thì EQ là yếu tố quan trọng quyết định sự phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Ông Nguyễn Vinh San cho biết: Từ năm 2021, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng xây dựng Quỹ học bổng “Truyền cảm hứng UED” với mục đích thu hút HS giỏi tài năng vào theo học. Học bổng được cấp cho 4 năm học với mức học bổng 120 triệu cho toàn khóa, giúp sinh viên chỉ tập trung cho việc học tập. Tiêu chí nhận học bổng là HS đạt các giải HS giỏi, giải thưởng Khoa học kỹ thuật, giải thưởng văn - thể - mĩ và tham gia hoạt động xã hội. Qua năm đầu tiên triển khai, nhà trường đã thu hút được nhiều sinh viên có thành tích hoạt động xã hội tốt và tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.
“Những năm tới đây, khi các trường ĐH hoàn toàn tự chủ về phương thức tuyển sinh thì việc đưa các tiêu chí hoạt động xã hội, văn - thể - mĩ, bài luận vào xét tuyển là xu hướng tất yếu. Chính vì vậy, các trường THPT cũng cần chú trọng trang bị các hoạt động cho HS của mình.
Việc quan tâm đến các hoạt động xã hội cho HS không chỉ phục vụ xét tuyển ĐH, mà quan trọng là giúp HS phát triển toàn diện, có định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn. Các trường THPT, tổ chức đoàn thể cần tạo ra nhiều sân chơi hơn để các em có cơ hội rèn luyện, giao lưu, trang bị kỹ năng; giải quyết tình trạng HS quá tải với các chương trình học văn hóa cả chính khóa và tại lớp học thêm” - ông Nguyễn Vinh San cho hay.