Đổi mới tuyển sinh khẩn trương, nhưng phải thận trọng

GD&TĐ - Trước quyết tâm đổi mới tuyển sinh của ngành Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ: Đổi mới là việc nhất thiết phải làm. Có điều, làm khẩn trương nhưng phải thận trọng, vì giáo dục ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao đổi về đổi mới tuyển sinh với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (bên phải) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn.  Ảnh Phương Đông
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao đổi về đổi mới tuyển sinh với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (bên phải) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn. Ảnh Phương Đông

Chiều 2/1, tại nhà riêng của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã trực tiếp báo cáo, xin ý kiến dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy giai đoạn 2014 - 2016.

Rất đồng tình, ủng hộ quyết tâm đổi mới của Bộ GD&ĐT, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý: Thời gian 3 năm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chấm dứt “3 chung»”và để việc tuyển sinh tiến bộ hơn không phải việc đơn giản. 

Nhiều việc phải làm, trong đó có vấn đề thi phổ thông phải nghiêm túc hơn. Thêm nữa, các trường đại học cũng phải đặt vấn đề đầu ra như thế nào để đảm bảo chất lượng.

“Tôi biết, nhiều trường ĐH vẫn muốn “3 chung”. Nên có khi bảo thủ là chính từ bản thân các trường ĐH chứ không phải ai khác. Do vậy, Bộ GD&ĐT cũng sẽ gặp khó khăn. 

Nhưng phải thuyết phục, tạo điều kiện, giúp đỡ các trường, ví như có ngân hàng đề thi chẳng hạn” - Nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ.

Khẳng định thi riêng là chuyện không hề đơn giản, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, khi tuyển sinh riêng, tiêu chuẩn đặt ra là gì cũng nên có hướng dẫn. Có thể tìm một vài trường đã có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ để tham khảo, rút kinh nghiệm.

“Có những điều Bộ có thể giúp, nhưng các trường cũng phải khẳng định trách nhiệm của mình. Mục đích cuối cùng là chất lượng và hiệu quả” - Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Một trong những mục tiêu đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ là nhằm thay đổi cách dạy - học ở phổ thông, từ đó nâng cao chất lượng. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình rất tâm đắc điều này và đề nghị thêm phải làm tốt công tác tuyên truyền để xã hội hiểu, ủng hộ. 

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị nên có một cuộc họp bàn về giáo dục ĐH để nhìn lại một cách tổng thể, bàn xem có những vấn đề gì cần phải giải quyết và vấn đề nào làm trước, vấn đề nào làm sau. Đồng thời, cố gắng phát huy được trí tuệ của những nhà khoa học trong công cuộc đổi mới này.

Dịp này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng trân trọng gửi, xin ý kiến nguyên Phó Chủ tịch nước góp ý dự thảo một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ