Năm học 2024 - 2025, Thái Nguyên có 245 trường mầm non, 3.254 nhóm/lớp với tổng số 76.493 trẻ. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tập trung cho công tác đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non.
Một số phương pháp giáo dục tiên tiến được áp dụng hiệu quả, huy động tốt sự phối hợp từ cha mẹ học sinh và cộng đồng, đảm bảo chất lượng giáo dục và môi trường học tập an toàn, hạnh phúc.
Chương trình giáo dục mầm non được nâng cao thông qua việc lồng ghép, tích hợp các phương pháp tiên tiến (STEAM, Montessori, Reggio Emilia…); nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã chú trọng giáo dục kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, lồng ghép giáo dục về giới tính, các hoạt động trải nghiệm cho trẻ được tham gia hoạt động đạt hiệu quả.

Tại trường Mầm non Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên), năm học này nhà trường có 17 nhóm lớp với tổng số 466 cháu, cùng 55 cán bộ giáo viên nhân viên. Với tinh thần đổi mới, tập thể nhà trường đang tập trung triển khai một số hoạt động sáng tạo, hữu ích trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
Với hoạt động Ngày học mở, cha mẹ học sinh có thể tham gia trực tiếp vào quá trình trẻ học tập, vui chơi, những hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc trẻ. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa gia đình và nhà trường, phụ huynh hiểu rõ hơn về phương pháp giáo dục mầm non nói chung, của nhà trường nói riêng. Ngày học mở là cơ hội để các giáo viên trao đổi với phụ huynh về sự phát triển của con em mình, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình phối hợp giáo dục.
Với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trẻ được tham gia vẽ tranh, trò chơi xây dựng, thử sức với các hoạt động khoa học đơn giản như các thí nghiệm về nước, về quá trình phát triển của cây… Điều này không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp trẻ phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và khám phá thế giới xung quanh. Trẻ được học thông qua chơi, chơi mà học, từ đó phát triển nhiều kỹ năng xã hội và cảm xúc.
“Đổi mới trong chăm sóc, giáo dục tạo ra cơ hội để trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách tự nhiên và hứng thú, xây dựng môi trường học tập tích cực, giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, cảm xúc và xã hội, từ đó hình thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trẻ trong các giai đoạn tiếp theo” - cô Trần Thị Điệp, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh.

Đối với trường Mầm non Đồng Quang (TP Thái Nguyên), với quy mô 16 nhóm lớp, 500 trẻ, 53 cán bộ giáo viên nhân viên, Nhà trường trang bị 02 hệ thống đường truyền cáp quang, 19 tivi, 02 máy chiếu, 07 máy tính, 24 camera giám sát an ninh; 2 camera dạy học.
Nhà trường sử dụng phần mềm SMAS và cơ sở dữ liệu giáo dục tỉnh Thái Nguyên để quản lý học sinh, báo cáo liên thông 3 cấp, theo dõi và cập nhật tình hình chăm sóc sức khỏe và gửi thông tin đến phụ huynh qua hệ thống trực tuyến.
Đặc biệt, trong hoạt động nuôi dưỡng và công tác bán trú, Nhà trường sử dụng Hệ thống quản lý nuôi dưỡng PMS, phần mềm Misa để cân đối khẩu phần, quản lý bán trú hiệu quả. Sau khi hoàn thiện tính toán, hồ sơ được duyệt, lưu trữ trên Edoc công khai qua mục “bé ăn gì” trên Website trường. Nội dung dinh dưỡng được tuyên truyền qua mục “Dinh dưỡng chuẩn - Bé phát triển”, đảm bảo liên thông quản lý 3 cấp Trường - Phòng - Sở.
“Giáo viên thiết kế giáo án điện tử, sử dụng phần mềm trực tuyến và AI để xây dựng các trò chơi học tập, đặc biệt sử dụng trò chơi trực tuyến trong ôn từ vựng tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo tại phòng ngoại ngữ tin học, đem lại hiệu quả rất tốt” - cô Nguyễn Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng Nhà trường vui mừng cho biết.