Các trường sư phạm cần tích cực chuyển mình

GD&TĐ - Dự thảo chương trình môn học mới từ cấp tiểu học đến THPT (chương trình GDPT mới) do Bộ GD&ĐT công bố thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Các trường sư phạm cần tích cực chuyển mình

Ông có thể cho biết, so với chương trình hiện hành thì dự thảo chương trình GDPT mới lần này có những sự tiến bộ nào?

Nói một cách rất công bằng thì có nhiều ưu điểm của chương trình hiện hành vẫn được đảm bảo và khai thác trong chương trình GDPT mới. Một số hạn chế đã được khắc phục như: Xác định được năng lực cốt lõi của con người trong và sau đào tạo, làm rõ giai đoạn định hướng nghề nghiệp khá sớm, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn được thể chế hóa khá rõ ràng, một số môn học và hoạt động giáo dục hòa nhập với xu thế chung của thế giới.

 PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM

Cụ thể như ở tiểu học, việc giúp trẻ làm quen với Tin học và Công nghệ được đảm bảo; Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5);

Ở cấp THCS, việc tích hợp khoa học xã hội thành môn học là điều thú vị, hay Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; Học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường...

Tất cả điều này minh chứng cho tính logic trong tầm nhìn và nhận thức của những người thực hiện chương trình. Sự tiến bộ ấy còn được minh chứng ở việc có các minh chứng cụ thể bước đầu trong một số luận điểm khoa học, các tri thức tiên tiến được cập nhật và sử dụng...

Theo ông, việc chuẩn bị đào tạo GV phục vụ Chương trình GDPT mới của các trường Sư phạm cần thay đổi ra sao?

“Tôi cho rằng, so sánh với chương trình cũ là điều không nên vì chúng ta cần nhìn sự phát triển theo dòng chảy, đặt chương trình học theo mục tiêu phát triển, nhu cầu của thời cuộc. Hơn nữa, những thành quả đã qua là nền tảng quan trọng để phát triển và giáo dục không nằm ngoài quy luật chung”.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Việc định hướng trách nhiệm của các trường sư phạm đã được Bộ GD&ĐT quán triệt rất cụ thể và chính mỗi trường sư phạm đã có hướng chuẩn bị bài bản và hệ thống. Cụ thể hơn, song song với việc trường sư phạm liên tiếp quán triệt về tinh thần chuyển mình trong đào tạo sinh viên theo định hướng của chương trình phổ thông mới thì cần có những hành động cụ thể:

- Xem xét chương trình đào tạo hiện hành để cập nhật ngay các kiến thức, kỹ năng cần đáp ứng trong Chương trình phổ thông mới. Vận dụng khoa học và hiệu quả quy chế đào tạo trong khi triển khai quy trình đào tạo để đảm bảo đào tạo hiệu quả và thích ứng.

- Bổ sung các chuyên đề đáp ứng Chương trình phổ thông mới trên bình diện chung để sinh viên toàn trường có thể làm chủ và thích nghi chương trình giáo dục phổ thông mới. Đơn cử như: Hoạt động trải nghiệm, tích hợp hoạt động hướng nghiệp, dạy học tích hợp và dạy học phân hóa.

- Xem xét chương trình chi tiết các học phần nghiệp vụ đặc biệt là nhóm học phần phương pháp để đảm bảo tính cập nhật nhằm đảm bảo đào tạo hiệu quả và ứng dụng với thực tiễn mới.

- Xây dựng tính tích hợp trong đào tạo nhóm khoa nhằm chuẩn bị cho việc đào tạo thực hành theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một mặt, trường sư phạm cần chuyển mình ngay trong những khóa đào tạo đã bắt đầu 1, 2 và 3 năm để có thể thích ứng ngay với chương trình giáo dục mới. Mặt khác, phải đầu tư bồi dưỡng giáo viên cũng như đầu tư trí tuệ và tâm sức để có thể xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo mới đội ngũ giáo viên cho các khóa mới.

Hiện tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có những sự chuẩn bị gì trong việc đào tạo GV phục vụ Chương trình GDPT mới, thưa ông?

Các biện pháp đã đề cập trên áp dụng ngay cho khóa 2017 vừa ra trường do thế mạnh của trường có nhiều nhà khoa học là chuyên gia xây dựng chương trình của Bộ đã cập nhật và chuyển giao ý tưởng sớm.

Hơn nữa, nhiều tổng chủ biên và chủ biên sách giáo khoa là giảng viên của trường đã kịp thời phủ vào trong từng chương trình học phần, bài tập thực hành, bài giảng mẫu đón đầu... Song song đó, việc chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên đáp ứng Chương trình phổ thông mới của khóa đào tạo mới 2018 - 2022 đón đầu khi ra trường chính thức đang được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo để đảm bảo tính thích ứng.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Sự phạm TPHCM đã đồng bộ việc tập huấn, hội thảo, truyền thông liên tiếp cho quản lý bộ phận, giảng viên, giảng viên trẻ và sinh viên toàn trường về Chương trình GDPT mới trong suốt năm 2017 với các chuyên đề, các tọa đàm chuỗi, cuộc thi... nhằm lan tỏa tinh thần của chương trình từ nhận thức đến thái độ và hành động.

Trong năm 2018, khi các giải pháp đã đồng bộ, trường sẽ tiếp tục thực hiện các chuyên đề trọng điểm, chuỗi đề tài NCKH của giảng viên, sinh viên, các dự án ứng dụng có liên quan đến Chương trình phổ thông mới sẽ được thực thi.

Nhà trường cũng đang tích cực tham gia các đề án, dự án của Bộ và sáng tạo chủ động thêm các nhóm nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo giáo viên THCS, giáo viên phụ trách hoạt động giáo dục thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài, cam kết có sản phẩm như chiến lược đột phá...

Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.