Nâng cao năng lực quản lý nhà trường cho hiệu trưởng
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, hoạt động quản lý là hoạt động giáo dục quan trọng nhất, trong đó điều hành hoạt động là người đứng đầu nhà trường. Tuy nhiên hiện nay phần lớn hoạt động này còn mang tính kinh nghiệm và “linh hoạt” theo phương pháp quản lý của người đứng đầu.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, cần xây dựng văn hoá quản lý trong nhà trường. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường hiện nay.
Trong nhiều năm qua, phong trào đổi mới phương pháp dạy học gắn liền đổi mới công tác quản lý đã được triển khai rộng khắp trong toàn ngành Giáo dục.
Nếu chỉ tập trung đến đổi mới phương pháp dạy học mà không chú ý đến đổi mới phương pháp quản lý, đó là nâng cao năng lực quản lý thể hiện trong quản lý, chỉ đạo điều hành - kiểm tra đánh giá, làm đòn bẩy thì việc đổi mới phương pháp dạy học khó mang lại hiệu quả cao về sản phẩm là chất lượng giáo dục.
“Chất lượng quản lý được hình thành từ trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ quản lý. Sản phấm của đổi mới công tác quản lý là chất lượng văn hoá, chất lượng hạnh kiểm, chất lượng các phong trào thi đua” - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.
Dẫn lại câu danh ngôn nổi tiếng về người thầy của Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”; PGS.TS Trần Thị Minh Hằng chia sẻ: Câu nói này không chỉ đúng cho người thầy mà còn đúng cho người quản lý giỏi vừa nói hay, giải thích giỏi, minh chứng đúng, khơi dậy niềm say mê, nhiệt thành của đội ngũ.
“Theo tôi, để thực hiện nâng cao năng lực quản lý nhà trường, trước hết phải đi từ đổi mới tư duy. Tư duy là cơ sở hình thành năng lực trí tuệ, là một trong những điều kiện để đạt tới các phẩm chất trí tuệ khác.
Trong công tác quản lý, tư duy sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, là một dạng tư duy độc lập tạo ra ý tưởng mới độc đáo và có hiệu quả giải quyết vấn đề cao”- PGS.TS Trần Thị Minh Hằng trao đổi, đồng thời cho rằng, những yếu tố của tư duy cần được bồi dưỡng là: Bồi dưỡng nhân cách sáng tạo; bồi dưỡng lòng nhiệt tình say mê, lòng tin; Bồi dưỡng tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu đựng gian khó; Bồi dưỡng tính khiêm tốn học hỏi vươn lên.
Cần xây dựng văn hoá quản lý trong nhà trường. Ảnh minh họa/internet |
Hiệu trưởng - trung tâm tạo nên uy tín của nhà trường
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, bồi dưỡng năng lực tự quản lý cho người cán bộ quản lý cũng là công việc cần phải làm. Bởi tự mình quản lý chính bản thân mình để lãnh đạo, điều hành đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tự quản lý cũng đồng nghĩa với tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Cần bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý cho cán bộ các cấp từ tổ trưởng, tổ phó trở lên đối. Phân cấp, giao quyền, chế độ cho cán bộ các cấp. Hay nói cách khác là phải xây dựng văn hoá quản lý trong nhà trường.
Văn hoá quản lý trong giáo dục biểu hiện trước hết trong các mối quan hệ của cán bộ quản lý bao gồm: quan hệ với người khác; quan hệ với công việc và quan hệ với bản thân.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng phân tích, văn hoá quản lý thể hiện trong quan hệ với người khác như: Quan hệ với cấp trên; quan hệ với đồng cấp; quan hệ với học sinh; quan hệ với phụ huynh học sinh và quan hệ với đối tác khi hợp tác,...
Tất cả các mối quan hệ này được thực hiện có hiệu quả khi hiệu trưởng giao tiếp với mọi người trên nguyên tắc tôn trọng, động viên khuyên khích, sự cảm thông và tình yêu thương và đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Văn hoá thể hiện ở hiệu trưởng trong cách ra quyết định, cách xử lý các tình huống và cách duy trì được các mối quan hệ xã hội.
Văn hoá thể hiện đối với bản thân. Tức là hiệu trưởng luôn thể hiện khiêm tốn; tự giác, tích cực học tập để nâng cao năng lực; luôn xây dựng đoàn kết trong tập thể; sống hoà đồng, vui vẻ với mọi người, luôn tạo được bầu không khí trong tập thể.
“Như vậy văn hoá quản lý của hiệu trưởng luôn thể hiện hiệu trưởng là trung tâm tạo nên uy tín và xây dựng được bầu không khí tâm lý trong tập thể, luôn biểu hiện trong các mối quan hệ với vai trò là thủ lĩnh, là người đi đầu dẫn dắt mọi người cùng phát triển theo mục tiêu chung của tập thể" - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.