Đổi mới ra đề thi Lịch sử theo hướng phát triển năng lực

GD&TĐ - Thực tế dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay cho thấy cần phải đổi mới kiểm tra, đánh giá trong đó khâu then chốt chính là phải đổi mới khâu ra đề thi theo hướng có thể đánh giá đúng năng lực và phẩm chất của học sinh.

Đổi mới ra đề thi Lịch sử theo hướng phát triển năng lực

Theo hướng đó, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) Lịch sử từ năm 2104. Có thể như sau:

Đề thi gồm 2 phần:

Phần 1: Kiểm tra đánh giá (KTĐG) HS về  kiến thức lịch sử, những mối quan hệ của sự kiện lịch sử này đối với các sự kiện lịch sử khác. 

Chẳng hạn, yêu cầu tìm hiểu nguyên nhân các cuộc đấu tranh, các phong trào cách mạng... Chỉ ra mối quan hệ của các sự kiện với hoàn cảnh về kinh tế, chính trị, xã hội và tác động của tình hình thế giới ở lúc bấy giờ. 

Hay là yêu cầu tìm hiểu về chủ trương của Đảng ta trong các thời kì khác nhau của cách mạng, các phong trào đấu tranh của nhân dân ta, các chiến thắng tiêu biểu của các cuộc kháng chiến...Qua đó chỉ ra được mối quan hệ, tác động, ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước đối với sự thay đổi đó.

Như vậy, thay vì kiểm tra việc học thuộc lòng và nhớ các kiến thức lịch sử như: Trình bày từng nguyên nhân, diễn biến cụ thể của các cuộc kháng chiến, phong trào cách mạng, nhớ ngày tháng, số liệu cụ thể.... đề thi sẽ tập trung vào khả năng hiểu biết lịch sử của HS và thông qua những hiểu biết  đó yêu cầu HS phát hiện những mối quan hệ của sự kiện lịch sử này đối với các sự kiện lịch sử khác.

Phần 2: KTĐG khả năng vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học của HS để liên hệ hoặc giải quyết vấn đề thực tiễn (theo hướng mở, tích hợp). 

Một câu có thể phải sử dụng nhiều kiến thức, kĩ năng để giải quyết chứ không chỉ dùng một kiến thức, kĩ năng để làm bài. Ví như : yêu cầu học sinh cho biết ý kiến của mình trước nhận xét về xu thế phát triển của thế giới sau Chiến tranh lạnh sau chiến tranh thế giới thứ hai:

 “Toàn cầu hoá là xu thế phát triển khách quan. Đối với các nước đang phát triển, đây vừa là thời cơ thuận lợi vừa là thách thức gay gắt trong sự vươn lên của đất nước”.

(NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2012, tr. 74)

Câu hỏi mở như vậy sẽ không bó hẹp học sinh trong những kiến thức, con số khô khan đã có trong sách giáo khoa mà có thể khuyến khích học sinh có những cách khác nhau trong nhìn nhận, đánh giá về cơ hội thuận lợi và những khó thách thức của xu thế toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển, qua đó đúc rút ra những bài học vận dụng thực tiễn ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay mà vẫn đảm bảo tôn trọng tính khách quan của lịch sử.

Như vậy, việc ra đề lịch sử như thế không chỉ kiểm tra riêng về kiến thức lịch sử, mà các kiến thức về địa lý, giáo dục công dân, văn học... đều được huy động và vận dụng vào bài viết. Với đề kiểm tra như vậy là đổi mới đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Trong thực tế hướng ra đề như trên nên được áp dụng ngay từ kì thi tốt nghiệp THPT năm nay nhưng ở mức độ vừa phải, những năm sau sẽ nâng cao dần về mức độ “mở” và yêu cầu vận dụng kiến thức phù hợp với thực tế và yêu cầu nâng cao chất lượng dạy giáo dục nói chung, chất lượng dạy và học lịch sử nói riêng.

ĐỀ XUẤT ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN LỊCH SỬ NĂM 2014

Phần I. (7 điểm)

Câu 1 (4 điểm)

Nêu chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Qua đó giải thích tại sao sau chiến tranh thế giới thứ nhất thực dân Pháp lại hối hả đẩy mạnh khai thác thuộc địa ở nước ta?

(Trong những năm học sau câu hỏi này có thể thay đổi/ “nâng cao” thành: Em có suy nghĩ như thế nào về mối lien quan giữa chính sách và việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất?)

Câu 2 (3 điểm)

Hãy cho biết âm mưu và thủ đoạn của Mĩ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ? Tại sao Mĩ lại phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”?

(Trong những năm học sau câu hỏi này có thể thay đổi/ “nâng cao” thành: Tại sao Mĩ lại chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam ?)

Phần II. (3 điểm)


Nhận xét về lịch sử thế giới giai đoạn 1945 – 2000, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, có đoạn viết: “Chỉ trong vòng nửa thế kỉ, tình hình thế giới đã thật sự sôi động với bao diễn biến dồn dập, đem lại những thay đổi to lớn và cả những đảo lộn đầy bất ngờ.”

(NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2012, tr. 71)

Em hãy cho ý kiến về vấn đề trên. Theo em nhân tố hàng đầu chi phối quan hệ quốc tế trong phần lớn nửa sau thế kỷ XX là gì ? Nhân tố đó ảnh hưởng đến tình hình nước ta như thế nào ?

(Trong những năm sau có thể đổi thành: Em hãy cho biết ý kiến về vấn đề trên và liên hệ với tình hình thực tế nước ta?)

Chúng tôi thiết nghĩ việc ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐHCĐ môn Lịch sử theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất của HS dưới dạng “đề mở” là một cách tiếp cận đúng và cần thiết, có ý nghĩa góp phần đổi mới việc dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lịch sử ở trường phổ thông hiện nay của HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lại lo pháo tự chế

GD&TĐ - Công an huyện Hương Khê và Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa triệt phá đường dây sản xuất và vận chuyển pháo lậu của một nhóm thanh thiếu niên trên địa bàn.