Việc chuyển đổi này đòi hỏi phải có một hệ thống đánh giá và kiểm tra phù hợp, đáp ứng được những thay đổi căn bản, toàn diện của chương trình giáo dục. Đó là chia sẻ của ThS Đỗ Thanh Tú, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện Quản lý Giáo dục.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo năng lực
ThS Đỗ Thanh Tú nhấn mạnh: Chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay của Bộ GD&ĐT chọn đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá nhằm thúc đẩy các quá trình khác như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học và đổi mới quản lý. Nếu thực hiện được việc kiểm tra đánh giá theo hướng vì sự tiến bộ của người học như là quá trình thúc đẩy phát triển học tập bền vững, giúp phát triển năng lực người học, thì lúc đó quá trình dạy học trở nên tích cực hơn rất nhiều.
Quá trình đó sẽ hướng đến mục tiêu xa hơn, đó là nuôi dưỡng hứng thú cho học sinh và quan trọng hơn là tăng cường sự tự giác trong học tập. Điều này vô cùng quan trọng đóng góp vào sự thành công của học sinh trong tương lai.
Theo quan điểm dạy học theo định hướng phát triển năng lực của người học, việc đánh giá kết quả học tập không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trọng tâm của việc đánh giá. Đánh giá kết quả học tập theo năng lực là chú trọng vào khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau.
Đánh giá kết quả học tập đối với các môn học và hoạt động giáo dục trong quá trình học và sau các cấp học là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu dạy học, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của người học. Nói một cách khác thì đánh giá theo năng lực là đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ được ứng dụng trong bối cảnh có ý nghĩa.
Không có mâu thuẫn giữa đánh giá năng lực và đánh giá kiến thức kỹ năng. Xét về bản chất, đánh giá năng lực được coi là bước phát triển cao hơn so với đánh giá kiến thức, kỹ năng. Để chứng minh người học có năng lực ở một mức độ nào đó, phải tạo cơ hội cho người học được giải quyết vấn đề trong tình huống mang tính thực tiễn. Khi đó, người học vừa phải vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học ở nhà trường, vừa phải vận dụng những kinh nghiệm của bản thân thu được từ những trải nghiệm bên ngoài nhà trường, những trải nghiệm ở gia đình, cộng đồng và xã hội.
Như vậy, thông qua việc hoàn thành một nhiệm vụ trong bối cảnh thực, người ta có thể đồng thời đánh giá được cả kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hiện và những giá trị, tình cảm của người học. Mặt khác, đánh giá năng lực không hoàn toàn phải dựa vào chương trình giáo dục môn học như đánh giá kiến thức, kỹ năng, bởi năng lực là tổng hòa của kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị, chuẩn mực đạo đức… được hình thành từ nhiều lĩnh vực học tập và từ sự phát triển tự nhiên về mặt xã hội của một con người.
5 xu hướng đánh giá kiến thức, kỹ năng người học
Nói đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo không thể không nói đến một trong những khâu quan trọng nhất và cũng là khâu khó khăn, phức tạp nhất - đó là việc thi, kiểm tra đánh giá kết quả dạy học. Trước đây, phương pháp giáo dục chủ yếu là trang bị kiến thức, dạy học theo cách “thầy giảng, trò ghi”, nên việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học sinh còn nặng về điểm số.
Theo Th.S Đỗ Thanh Tú, xu hướng đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh tập trung theo các hướng sau:
Thứ nhất, chuyển từ chủ yếu sử dụng đánh giá kết quả học tập cuối môn học, khóa học (đánh giá tổng kết) nhằm mục đích xếp hạng, phân loại sang sử dụng đa dạng các loại hình đánh giá, coi trọng đánh giá thường xuyên, định kỳ sau từng phần, từng chương nhằm mục đích phản hồi điều chỉnh quá trình giảng dạy và học tập (đánh giá quá trình);
Thứ hai, chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực của người học. Tức là chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức…(đánh giá truyền thống) sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống (đánh giá hiện đại), đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo, siêu nhận thức (nghĩ về cách suy nghĩ).
Thứ ba, chuyển từ đánh giá một chiều (giáo viên đánh giá), sang đánh giá đa chiều (không chỉ giáo viên đánh giá mà học sinh cùng tham gia đánh giá - tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau);
Thứ tư, chuyển đánh giá từ một hoạt động độc lập với quá trình dạy học sang việc tích hợp đánh giá vào quá trình dạy học, xem đánh giá là một phương pháp dạy học;
Thứ năm, sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá: Sử dụng các phần mềm thẩm định các đặc tính đo lường của công cụ (độ tin cậy, độ khó, độ phân biệt, độ giá trị) và sử dụng các mô hình thống kê vào xử lý phân tích, lý giải kết quả đánh giá.
Công cụ để đo lường sự tiến bộ của người học
Khi nói về vai trò của kiểm tra trong đánh giá theo năng lực, ThS Đỗ Thanh Tú cho rằng, kiểm tra là quá trình đo lường kết quả thực tế và so sánh với những tiêu chuẩn, mục tiêu đã đề ra nhằm phát hiện những gì đã đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng/chi phối… từ đó đưa ra biện pháp điều chỉnh khắc phục nhằm đạt được mục tiêu.
Kiểm tra chắc chắn không phải là cách duy nhất để đánh giá người học, nhưng có nhiều lý do chính đáng để bắt buộc phải có bài kiểm tra trong một khóa học. Nó là một phần không thể thiếu được của quá trình dạy học với mục đích vì sự tiến bộ của chính người học.
Theo ThS Đỗ Thanh Tú, mỗi phương pháp kiểm tra, đánh giá đều có điểm mạnh và hạn chế riêng của nó. Bài kiểm tra có vai trò quan trọng đối với cả sinh viên và giáo viên. Nó không những là công cụ để đo lường sự tiến bộ của người học mà còn là một kênh thông tin để giáo viên đánh giá lại phương pháp giảng dạy, sinh viên xem lại việc học tập của mình.
Dù vậy, bài kiểm tra cũng không nên là tiêu chí duy nhất để đánh giá, chúng là một trong nhiều công cụ mà chúng ta có thể sử dụng để đánh giá. Giáo viên có thể lựa chọn một hoặc kết hợp các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu và ý đồ đánh giá.
Với việc tăng số lượng bài kiểm tra, hình thức kiểm tra, tập trung vào cả 4 kỹ năng ngôn ngữ và trải đều trong suốt quá trình học sẽ đáp ứng được yêu cầu của chương trình dạy học mới theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, chuyển hướng từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.