Chiều 29/3, tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và Công ty Toyota Việt Nam tổ chức Hội thảo Đổi mới phương pháp giáo dục an toàn giao thông đáp ứng Chương trình GDPT 2018 cấp Tiểu học.
Tham dự cùng đại diện Ủy ban ATGT quốc gia, ngành công an cùng, các đại diện là lãnh đạo, giáo viên ngành giáo dục nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Giáo dục an toàn giao thông gắn với chương trình mới
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT khẳng định: Giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, tạo nền tảng cho văn hoá giao thông ngay từ trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ con người, học sinh, giáo viên.
Các đại biểu, chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên tham gia hội thảo. Ảnh: Hồ Lài |
Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện “Chương trình phối hợp nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông” đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Lý do hội thảo hướng đến cấp tiểu học bởi vì đây là cấp đầu tiên của giáo dục phổ thông. Ngay từ những năm tháng đầu tiên đi học, các em được giáo dục về an toàn giao thông sẽ có kiến thức nền tảng, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Nhờ đó, góp phần hình thành nét đẹp “Văn hóa giao thông”, lan tỏa đến cộng đồng, xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh, việc đổi mới phương pháp giáo dục an toàn giao thông ở cấp tiểu học gắn với đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Ảnh: Hồ Lài |
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng đề nghị các chuyên gia, giáo viên trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm, phương pháp truyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cũng như lồng ghép dạy học. Đó cũng là yêu cầu, định hướng của Chương trình GDPT 2018 - phát huy toàn diện năng lực người học, thay vì giáo dục học sinh có năng lực toàn diện như trước đây.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, giáo viên đã tập trung tham luận các nội dung: Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh tiểu học, đổi mới phương pháp giáo dục an toàn giao thông, một số biện pháp tích hợp giáo dục an toàn giao thông trong môn học tiếng Anh ở trường tiểu học…
Linh hoạt phương pháp giáo dục, tuyên truyền phù hợp thực tiễn
PGS.TS Lê Huy Trí – Phó Viện trưởng viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng trình bày tham luận kết quả thực thi pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại 4 trường học của TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Khu vực khảo sát thực tế tập trung vào cổng trường tiểu học.
Lý do đây là nơi có đông phụ huynh đưa đón học sinh tới trường mỗi ngày, từ đó rút ra số liệu về lưu lượng người dừng đỗ, phương tiện qua lại, tình trạng bán hàng rong… Với các phương tiện, thiết bị chuyên dụng và nghiệp vụ công an, cho thấy thực trạng tuân thủ pháp luật an toàn giao thông ở cổng trường còn chưa nghiêm túc như: đi quá tốc độ, ngược chiều, trái làn, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ lộn xộn, đi dàn hàng 3, hàng 4…
PGS.TS Lê Huy Trí – Phó Viện trưởng viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài |
Qua đó đưa ra giải pháp tăng cường tuyên truyền, giáo dục và xử phạt các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Phối hợp với nhà trường trong chia sẻ, trao đổi thông tin, kiến thức kỹ năng tham gia giao thông an toàn đến phụ huynh học sinh. Đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức phân luồng, giữ an toàn giao thông khu vực cổng trường trong giờ cao điểm…
Về phía ngành Giáo dục Nghệ An cũng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học như đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và đào tạo thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo cụm.
Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học có nội dung lồng ghép về an toàn giao thông cách nhẹ nhàng, hiệu quả như sáng tác, biểu diễn, sân khấu hóa nội dung tuyên truyền vào dạy học, hoạt động trải nghiệm. Lồng ghép bố trí mô hình trên sân trường để học sinh thực hành kỹ năng đi xe đạp an toàn, tham gia giao thông an toàn khi qua ngã tư, đi học an toàn…
Học sinh tiểu học Nghệ An tham gia giao lưu kiến thức kỹ năng tham gia giao thông an toàn năm học 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài |
Các cụm chuyên môn tăng cường trao đổi, thảo luận, tập huấn hướng dẫn sử dụng tài liệu an toàn giao thông, chia sẻ kinh nghiệm thiết kế tiết dạy, phương pháp dạy. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động sinh hoạt dưới cờ và chương trình ngoại khóa, giáo viên tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh.
Thiết kế bài giảng mẫu kết hợp giữa nội dung kiến thức và những trò chơi để tiết học về an toàn giao thông thêm hứng thú, hiệu quả. Trong bài giảng có ứng dụng linh hoạt các tài liệu bổ trợ như video, tranh ảnh, xây dựng hoạt cảnh… Từ đó tránh được sự nhàm chán cho học sinh khi tham gia học tập vừa tạo cho các em không khí thi đua sôi nổi, hào hứng.
Các địa phương khác cũng chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với chủ đề, bài học được thiết kế trong bộ tài liệu. Xây dựng chương trình lồng ghép dạy học, đưa vào kế hoạch giáo dục của nhà trường từ đầu năm học. Ngành Giáo dục các địa phương cũng thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, Ban an toàn giao thông, công an địa phương và cộng đồng trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
Thời gian qua, tình tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh diễn biến phức tạp. Qua thống kê, trong 10 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông toàn quốc). Trong đó lỗi vi phạm chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59%; không có giấy phép lái xe chiếm 7,38%; không đội mũ bảo hiểm chiếm 42,9%.