Đổi mới phương pháp dạy học về dân tộc, tôn giáo trong trường ĐH

Đổi mới phương pháp dạy học về vấn đề dân tộc, tôn giáo là nhu cầu tất yếu trong trường đại học hiện nay.

Đổi mới phương pháp dạy học về dân tộc, tôn giáo trong trường ĐH

Trao quyền chủ động cho sinh viên

Theo TS Bùi Thị Như Ngọc – giảng viên Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đổi mới phương pháp dạy học về vấn đề dân tộc, tôn giáo nằm trong xu thế chung đổi mới giáo dục đại học. Trong đó, điểm nhấn là tích cực trao quyền cho người học.

“Khi trao quyền cho người học trong việc tìm hiểu về vấn đề dân tộc, giáo viên vẫn đóng vai trò là người định hướng thông tin, kiến thức giúp sinh viên có thể học tập tốt cũng như tự tin trong quá trình làm nghề tương lai” cô Ngọc nói.

Cô Ngọc cũng cho biết, khi đổi mới phương pháp dạy học về vấn đề dân tộc, tôn giáo luôn cần bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, coi vấn đề dân tộc, tôn giáo là hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

“Trong quá trình dạy học, tôi hướng dẫn, định hướng để sinh viên có nhận thức đúng đắn về vấn đề dân tộc, tôn giáo, khuyến khích các em chủ động tìm hiểu vấn đề này. Các em có thể thảo luận nhóm, thuyết trình về những vấn đề mình đã tìm hiểu; khuyến khích sinh viên tìm hiểu tài liệu liên quan từ các nguồn chính thống về các vấn đề dân tộc, tôn giáo trong nước và nước ngoài để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc.

Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin trực tiếp và trực tuyến giữa giáo viên, sinh viên. Đẩy mạnh việc cho sinh viên đi thực tế hoặc thực hành ngoài trường giúp sinh viên có hiểu biết thực tiễn, đa dạng, sâu sắc, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Qua đó, sinh viên có thể gặp gỡ người thật, việc thật, nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra môn học gắn với các sản phẩm thực tế như: chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về vấn đề dân tộc, tôn giáo đến các nhóm đối tượng đa dạng...” cô Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Ngọc cũng thường xuyên bồi dưỡng kiến thức qua sách, báo, tham khảo từ tài liệu của các thư viện hoặc ý kiến của chuyên gia, tăng cường đi thực tế, nghiên cứu điền dã. Từ đó, tích luỹ thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn nhằm giảng dạy, tương tác kiến thức với sinh viên hiệu quả.

Khơi dậy giá trị tích cực

Đổi mới phương pháp dạy học về dân tộc, tôn giáo trong trường ĐH ảnh 1
Em H'Lana Ênuôl, sinh viên Trường Đại học Khoa Học - Đại học Huế

Cô Bùi Thị Như Ngọc chia sẻ, giáo dục vấn đề dân tộc, tôn giáo trong trường học không chỉ cung cấp thêm thông tin, kiến thức, giúp sinh viên có quan điểm chính trị vững vàng trước các thế lực thù địch mà còn góp phần khơi dậy giá trị đạo đức, văn hóa.

Tại trường học, dù sinh viên có theo tôn giáo hay không theo tôn giáo đều được tôn trọng và trân quý.

“Trong quá trình giảng dạy, nếu biết trong lớp có những sinh viên theo các tôn giáo khác nhau, tôi sẽ lồng ghép những cái hay, tích cực của các tôn giáo vào bài học. Qua đó, khơi dậy những giá trị nhân văn để sinh viên có hiểu biết sâu sắc và toàn diện về vấn đề này, biết sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đồng thời, giúp các em hiểu rõ đâu là chân giá trị hoặc phản giá trị để các em kiên định lập trường chính trị, không bị các thế lực thù địch mượn danh dẫn dắt, dẫn đến thay đổi nhận thức theo hướng tiêu cực” cô Ngọc nhấn mạnh.

Trải qua quá trình học tập và tiếp cận các vấn đề dân tộc, tôn giáo, H'Lana Ênuôl, sinh viên Trường Đại học Khoa Học - Đại học Huế cho biết, đã học được cái nhìn đa chiều trong vấn đề dân tộc, lịch sử của các dân tộc cũng như tôn giáo và mối quan hệ tương tác giữa hai vấn đề này.

“Tôi nhận thức được, tất cả dân tộc đều bình đẳng và mọi tôn giáo chân chính đều hướng về lẽ tốt, giúp con người hướng thiện. Đặc biệt, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo đã góp phần tích cực phát triển nhận thức đạo đức con người trong cuộc sống.

Là người theo đạo, có hiểu biết về giáo lý, trong quá trình học, tôi mong muốn hiểu thêm về những cách thức, biện pháp để nhận biết những tổ chức và hoạt động tà giáo. Bởi hiện nay, tôi thấy có một số tổ chức giả mạo hoặc tạo danh xưng gần giống với các tôn giáo chính thống lôi kéo một bộ phận người dân vào các hoạt động mê tín dị đoan, kích động, thao túng tâm lý họ..... Do vậy, lớp trẻ như tôi ý thức rõ luôn phải tỉnh táo trong việc tìm hiểu, nắm bắt vấn đề dân tộc, tôn giáo, giữ vững ý thức công dân và bản lĩnh chính trị góp phần xây dựng đất nước phát triển vững bền” H'Lana Ênuôl chia sẻ.

Mới đây (9/3), Ban Tôn giáo Chính phủ cho ra mắt sách trắng về “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam’’, đây là tư liệu tham khảo quan trọng giúp đội ngũ giáo viên, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đông đảo các tầng lớp dân chúng... có thêm kiến thức, hiểu biết về chính sách, đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Cuốn sách thể hiện sự quan tâm và coi trọng của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo trong từng bước đường phát triển.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ