Đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh tại trường đại học, cao đẳng, cách nào?

GD&TĐ - Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng đáp ứng nhu cầu xã hội” diễn ra ngày 17/12, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay: Hội thảo nhận được 50 bài nghiên cứu khoa học. Trong số đó, 26 bài đã được chọn để đăng trong kỷ yếu hội thảo.

Hội thảo thu hút sự hơn 70 đại biểu đến từ 15 trường đại học, cao đẳng, THPT và các Trung tâm Anh ngữ trên toàn quốc tham gia.

Mục đích chính của hội thảo là cung cấp nền tảng cho sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu về các ý tưởng mới trong dạy - học tiếng Anh. Đồng thời chia sẻ các lĩnh vực về Ngôn ngữ học ứng dụng, phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá tiếng Anh.

Các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tham dự hội thảo.

Các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tham dự hội thảo.

Hiện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo 55 ngành trình độ đại học, 22 ngành thạc sĩ, 18 ngành đào tạo tiến sĩ. Học viện có 5 chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh. Trong đó, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ được giao nhiệm vụ đào tạo sinh viên cho ngành Ngôn ngữ Anh, ngành Sư phạm công nghệ và ngành Du lịch. Giảng viên sẽ giảng dạy các học phần tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành cho tất cả chương trình đào tạo khác trong Học viện.

Tham luận về dạy học tích cực, TS Phạm Lan Anh – Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, đây là phương pháp giảng dạy thu hút sự chú ý và tham gia đầy đủ của sinh viên khi học. Đó là học bằng cách “làm”, không phải thông qua các bài giảng hoặc trình chiếu truyền thống.

Với việc học tập tích cực như một chiến lược giảng dạy tập trung vào sinh viên. Các em có thể suy nghĩ độc lập, chủ động tham gia một cách sáng tạo và học tập hiệu quả.

Báo cáo viên tham luận tại hội thảo.

Báo cáo viên tham luận tại hội thảo.

Theo TS Phạm Lan Anh, giảng viên sử dụng các chiến lược học tập tích cực và lựa chọn những hoạt động có thể kích thích sự chủ động của sinh viên. Trên tinh thần đó, sinh viên sẽ tham gia nhiều hơn và thực sự trải nghiệm việc học tập ngôn ngữ tiếng Anh một cách hào hứng.

Nhờ đó, giảng viên có thể đạt được mục tiêu chương trình giảng dạy tiếng Anh. Còn sinh viên trở nên hợp tác, năng suất và sáng tạo hơn trong các hoạt động tiếng Anh nghề nghiệp. Trong quá trình trau dồi năng lực ngôn ngữ tiếng Anh, sinh viên vẫn có thể hình thành các trải nghiệm nghề nghiệp và thấy vị trí của môn tiếng Anh trong việc phát triển nghề nghiệp tương lai.

TS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phát biểu tại hội thảo.

TS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phát biểu tại hội thảo.

Đề cập đến kỹ năng viết tiếng Anh, TS Nguyễn Thị Việt Nga – giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, giảng viên là người hướng dẫn, khuyến khích sinh viên học tập.

Sinh viên phải được trải nghiệm, thử và mắc lỗi nhằm mục đích rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, giảng viên cần coi việc sinh viên mắc lỗi khi viết tiếng Anh là điều bình thường. Đó cũng là quá trình trải nghiệm của sinh viên với ngôn ngữ.

TS Nguyễn Tất Thắng – Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh, báo cáo tại hội thảo đề cập đến các lĩnh vực khác nhau trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập Tiếng Anh như: Phương pháp dạy học sử dụng ngôn ngữ chức năng. Một số nguyên tắc dạy và học tích cực trong bối cảnh dạy ngoại ngữ ở bậc đại học. Một số ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ dạy học trực tuyến môn tiếng Anh. Nâng cao động lực rèn luyện kỹ năng viết của sinh viên không chuyên tiếng Anh bằng phương pháp học tập thông qua trải nghiệm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.