Đổi mới phương pháp, cách đặt câu hỏi của giáo viên theo Chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp là yêu cầu trọng yếu trong triển khai Chương trình GDPT 2018. 

Học sinh Trường THCS Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia trò chơi trong Ngày hội văn học dân gian. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia trò chơi trong Ngày hội văn học dân gian. Ảnh: NTCC

Thực hiện đổi mới phương pháp, cách đặt câu hỏi của giáo viên giúp chỉ dẫn, soi sáng, định hướng người học trong tiếp cận, lĩnh hội, tự khám phá tri thức. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng biết cách đặt câu hỏi đúng và hiệu quả.

Đổi mới cách đặt câu hỏi

Theo cô Vũ Thị Xuân Khang - Trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), đổi mới phương pháp dạy học yêu cầu từ cách đặt câu hỏi. Chương trình GDPT 2018 chú trọng vào dạy “cách”, không phải dạy “cái”. Thay đổi đó đòi hỏi mỗi giáo viên trong quá trình dạy học phải tính toán tổ chức các hoạt động làm sao khơi gợi, kích thích được tư duy, sáng tạo, năng lực suy nghĩ độc lập cũng như khả năng tự học, tự vận dụng cho học sinh.

“Để làm được điều này, thiết nghĩ chúng ta hãy bắt đầu từ thay đổi cách đặt câu hỏi cho học sinh. Thay vì đặt câu hỏi có phần áp đặt, có sẵn định hướng trả lời, hoặc chỉ có một đáp án, hãy đặt những câu hỏi mở buộc học sinh phải có sự liên hệ, vận dụng, đào sâu, để cho ra sản phẩm là câu trả lời mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện được suy nghĩ của chính mình trước một vấn đề nào đó”.

Cô Vũ Thị Xuân Khang chia sẻ và cho rằng, để đặt câu hỏi gợi mở phải bám sát vào yêu cầu cần đạt mỗi bài học, đặc trưng từng thể loại. Đặc biệt, các câu hỏi phải có tính hệ thống, tạo thành một mạch vừa để kích thích tư duy, vừa để học sinh có thể tự xâu chuỗi, kết nối kiến thức; từ đó vỡ lẽ, khám phá ra tri thức. Các câu hỏi có thể chia theo cấp độ: Nhận biết; phân tích, lý giải; đánh giá, phản hồi; vận dụng.

Còn theo cô Trần Thị Hội - Trường Liên cấp song ngữ Sentia (Hà Nội), câu hỏi vừa để kiểm tra kiến thức, trình độ nhận biết của người học; vừa kích thích tư duy, phản biện, đối chiếu và từ đó giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy, giáo dục phù hợp học sinh.

Thường có hai dạng câu hỏi là câu hỏi đóng (với đáp án đúng/sai, có/không, đáp án cho sẵn) và câu hỏi mở (học sinh phải vận dụng tư duy để làm, giải quyết và thậm chí đưa ra kế hoạch để thực hiện). Đối với câu hỏi đóng, có thể sử dụng các dạng trò chơi nhanh, do giáo viên thiết kế hoặc dùng phần mềm có sẵn, học sinh sẽ khá hứng thú với dạng này. Với câu hỏi mở, giáo viên nên tổ chức dưới dạng nhóm, dự án hoặc kết hợp liên môn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tránh câu hỏi áp đặt, tăng câu hỏi gợi mở

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình Ngữ văn 2018 đặc biệt lưu ý cách nêu câu hỏi, ra đề làm văn (gọi chung là câu hỏi) trong dạy học Ngữ văn với định hướng mới: Không nên nêu câu hỏi mang tính áp đặt, thay vào đó cần có câu hỏi gợi mở.

Câu hỏi áp đặt, theo PGS Đỗ Ngọc Thống, là loại câu hỏi nêu ý kiến có sẵn của một cá nhân (danh nhân hoặc người ra đề/người hỏi), mặc định sẵn nội dung cần nói và viết theo hướng đã có, rồi yêu cầu học sinh phân tích, lý giải, làm sáng tỏ cho ý kiến ấy. Với loại câu hỏi này, học sinh chỉ tập trung minh họa cho một ý kiến đã được xác định.

Ví dụ, khi dạy đọc hiểu đoạn trích “Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích”, giáo viên không nên yêu cầu học sinh bằng câu hỏi: Hãy phân tích diễn biến tâm trạng từ buồn bã, lo lắng đến sợ hãi, hoảng hốt của Thúy Kiều trong 8 câu thơ cuối “Buồn trông...”. Trong ra đề kiểm tra, đề thi nên hạn chế tối đa cách ra đề văn với các yêu cầu như: Hãy phân tích và làm sáng tỏ nhận định: Chí Phèo là hiện thân cho sự khốn khổ tủi nhục của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám…

“Tất cả dạng câu hỏi, đề văn nêu trên đều nêu theo dạng áp đặt. Vấn đề ở đây không phải là ý kiến/ nhận định ấy không đúng, mà là cách hướng dẫn học sinh suy nghĩ, thực hiện, cách tiếp cận vấn đề không ổn. Khi nêu câu hỏi “Hãy phân tích diễn biến tâm trạng từ buồn bã, lo lắng đến sợ hãi, hoảng hốt của Thúy Kiều…” là đã nêu luôn đáp án. Học sinh chỉ còn biết nêu lại và minh họa cho nội dung ấy.

Vẫn là các yêu cầu cần đọc ra và làm rõ ở trên, giáo viên có thể thay bằng các dạng câu hỏi gợi mở khác nhau. Ví dụ: Tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích được thể hiện trong 8 câu thơ cuối như thế nào? Nêu câu hỏi như vậy, học sinh phải lần lượt tìm hiểu: Đó là tâm trạng gì, tâm trạng ấy diễn biến thế nào và Nguyễn Du thể hiện diễn biến tâm trạng ấy ra sao/bằng cách nào?... Nội dung phân tích, trả lời ngắn hay dài, nông hay sâu, phong phú hay đơn giản, đúng hay sai... tùy vào trình độ, suy nghĩ của mỗi học sinh”, PGS Đỗ Ngọc Thống làm rõ.

PGS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, yêu cầu phân tích, chứng minh cho một ý kiến đã định trước thực chất là cột chặt tư duy học sinh vào khung cố định, chỉ có thể nghĩ theo một hướng, làm sáng tỏ cho ý kiến ấy. Đồng nghĩa với yêu cầu học sinh không được nghĩ, làm khác... Đến khi nêu đáp án, giáo viên lại nêu đúng như ý của mình hoặc sách/tài liệu đã có. Trong khi nhận xét, đánh giá, chấm bài nếu học sinh trả lời hoặc viết ra ngoài những đáp án ấy đều bị cho là lạc đề, ý, không đúng...

Hệ quả là cách dạy ấy vô tình bóp chết suy nghĩ riêng của học sinh, không khuyến khích cá tính, sáng tạo, chỉ minh họa cho những gì có sẵn... Ngược với loại câu hỏi đóng, đề mở chỉ gợi ra vấn đề, đề tài cần trình bày, trao đổi, tạo ra khoảng trống để học sinh phát biểu suy nghĩ của cá nhân.

Rất nhiều ý kiến đúng như những chân lý. Nhưng yêu cầu học sinh chỉ chứng minh cho chân lý thì không phát triển được tư duy nói chung và phản biện nói riêng. Các em cần phải suy nghĩ nhiều chiều, hướng, trước một ý kiến, hiện tượng trong cuộc sống và được thể hiện theo cách nghĩ, biểu đạt chính mình.

Ý kiến của học sinh có thể không đúng, chưa hay; bài viết chưa dài, vụng về, sơ lược... nhưng là suy nghĩ của riêng người viết, sản phẩm của cá nhân. Điều quan trọng ở đây là học sinh được nghĩ; giáo viên khuyến khích các em tự suy nghĩ, dạy học sinh cách nghĩ độc lập. PGS Đỗ Ngọc Thống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ