Giáo viên thích cách đặt câu hỏi đề thi Sinh học mới, lạ

GD&TĐ - Nhiều giáo viên nhận xét, đề thi môn Sinh có sự phân hóa cao, cấu trúc đề thi hợp lý phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tuy nhiên để đạt được từ 8 điểm trở lên là không hề đơn giản.

Giáo viên thích cách đặt câu hỏi đề thi Sinh học mới, lạ

Cô Phạm Thu Hà - Giáo viên Sinh học Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình): Đề thi Sinh học hay nhưng khó

Về cấu trúc: Đề thi giống với đề thi minh họa và có cấu trúc tương tự như đề thi đại học, cao đẳng năm 2014.

Về nội dung: Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình phổ thông. Phần lý thuyết tương đối dễ, tuy nhiên thí sinh phải cân nhắc kỹ trước khi trả lời vì rất dễ bị nhầm lẫn. Phần bài tập đòi hỏi thí sinh phải hiểu bản chất, có kỹ năng làm bài. Do đề dài nên các em phải tận dụng thời gian mới làm kịp…

Đề thi năm nay khá khó đối với những thí sinh ban A chọn môn Sinh để “sơ cua”.

Đề thi được thiết kế theo mức độ khó tăng dần đã tạo tâm lý thoải mái cho học sinh, giúp học sinh tự tin hơn khi làm bài.

Mức phổ điểm chung của thí sinh sẽ rơi vào ngưỡng 5-6, điểm 7-8 điểm là vừa sức. Việc kiếm điểm tuyệt đối vẫn sẽ dành cho những thí sinh có tư duy tốt, tuy nhiên, tôi dự đoán thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều. (Thanh Thủy ghi)

Cô Dương Kim Loan – Tổ trưởng tổ Sinh Trường THPT Nhân Việt (TP HCM): Cách đặt câu hỏi trong đề thi mới, lạ

Đề thi Sinh học không quá khó nhưng có tính phân hóa, đòi hỏi tư duy của học sinh,  đáp ứng yêu cầu của kì thi vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học.

Với đề thi này, học sinh dễ dàng  đạt điểm 5, 6 ở những câu cơ bản. Học sinh muốn đạt 7, 8 điểm thì phải nắm vững kiến thức, phải có sự luyện tập nhiều ở phần bài tập. Khó có học sinh đạt được điểm 10.

Đề khá dài nên học sinh sẽ mất điểm nếu không có kỹ năng đọc đề.

Nhìn chung đề thi năm nay hay, cách đặt câu hỏi mới lạ tránh được việc học vẹt của học sinh. (Phan Nga ghi)

Cô Nguyễn Thị Thủy – Giáo viên Trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội): Đề thi phát huy khả năng vận dụng kiến thức của học sinh

Tôi thấy đề thi môn Sinh năm nay khá hay, bám sát chương trình sách giáo khoa, trong đó chủ yếu là kiến thức của lớp 12. Đề cũng bám sát theo hướng của đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước kỳ thi.

Với đề thi này, những thí sinh học chuyên về khối B mà có lực khá, giỏi sẽ không gặp trở ngại nhiều, và để đạt được từ 7 đến 8 điểm là nằm trong tầm tay của các em.

Khi đọc đề lên tôi cũng khá thích thú vì đề thi năm nay có sự phân hóa rất rõ nét. Từ học sinh trung bình yếu cũng có thể đạt được 5 đến 6 điểm, còn học sinh có học lực khá, giỏi cũng không quá khó để đạt được từ 7 điểm trở lên. Tuy nhiên để được điểm 10 với đề thi này thì phải là những em thật sự xuất sắc.

Ngoài ra, đề thi cũng tích hợp kiến thức của lớp 10, lớp 11 và kiến thức của  các môn Toán, Hóa học; đặc biệt là kiến thức xã hội khi hỏi về vấn đề môi trường, tài nguyên thiên nhiên. 

Đây là điểm tôi thích nhất của đề thi năm nay. Vì nó không chỉ kiểm tra được kiến thức bài học mà còn phát huy được khả năng tư duy và khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. (Sỹ Điền ghi)

Mời quý vị nghe thêm audio:

Cô Sùng Thị Trang – Giáo viên Trường THPT Mù Cang Chải (Yên Bái): Đề dài, thí sinh khó đạt được điểm 10

Đề Sinh năm nay hơi dài, học sinh vùng dân tộc sẽ gặp nhiều khó khăn. Những học sinh có học lực trung bình rất khó để đạt được 6 hoặc 7 điểm. Đặc biệt, để đạt được từ 8 điểm trở lên là không hề đơn giản, kể cả những em có học lực khá, giỏi. Với đề này tôi dự đoán sẽ có ít thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Tuy nhiên tôi vẫn ghi nhận đề thi năm nay có sự phân hóa cao phù hợp với từng đối tượng thí sinh. Cấu đề hợp lý, có kiến thức tích hợp và không nằm ngoài định hướng của Bộ GD&ĐT.

Với đề thi này, nếu thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT mà có học lực trung bình hoặc dưới trung bình một chút cũng có thể làm được 4 đến 5 điểm. (Sỹ Điền ghi).

Mời quý vị nghe thêm audio:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ