Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Chú trọng năng lực, không chỉ kiến thức

GD&TĐ - Bên cạnh đổi mới sáng tạo trong dạy học, nhiều giáo viên, nhà trường tại TPHCM đã linh hoạt, chủ động trong đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Điều này tạo nên sự đồng bộ trong việc giáo dục hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Phong Tân, thi xã Giá Rai (Bạc Liêu).
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Phong Tân, thi xã Giá Rai (Bạc Liêu).

Linh hoạt trong đánh giá 

Đầu năm học 2020 - 2021, nhóm giáo viên Ngữ văn 9 của Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) đã thực hiện dự án Tác phẩm văn học qua nét vẽ của em.

Dự án có sự tham gia của hơn 300 học sinh khối 9 của trường. Theo đó, các em được bốc thăm tác phẩm trong chương trình lớp 9 và cùng thực hiện dự án. Học sinh được chia theo nhóm, phân công nhiệm vụ và cùng nhau tạo nên những cuốn truyện tranh đầy màu sắc, nội dung hấp dẫn.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên triển khai dự án cho hay: Khi nhận những sản phẩm của học sinh, các thầy cô rất bất ngờ bởi cách mà các em cảm nhận về tác phẩm qua tranh vô cùng thú vị, chất lượng. Điều đó cho thấy, học sinh đã chú ý đầu tư, chỉn chu, nghiêm túc thực hiện. Các em tìm hiểu kỹ các đặc điểm của từng nhân vật để mô tả qua hình ảnh, lời thoại chính xác, đặc biệt phát huy được sở trường như hội họa, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin… 

Theo thầy Võ Kim Bảo, dạy học theo dự án giúp giáo viên đánh giá toàn diện hơn quá trình học tập, tiếp thu kiến thức, năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Cụ thể như đánh giá bằng miệng, nhận xét, điểm số, thầy cô chấm các sản phẩm với những tiêu chí rõ ràng, có thang điểm về nội dung, ý tưởng, mỹ thuật, kỹ thuật… Ngoài ra, việc chấm các sản phẩm được thực hiện công khai ngay trên lớp, đồng thời dựa vào quá trình làm việc nhóm, tiến độ hoàn thành, mức độ kiến thức trong từng sản phẩm… để cho vào cột điểm của bộ môn.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia thực hiện bài kiểm tra môn Lịch sử do thầy Nguyễn Viết Đăng Du phụ trách. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia thực hiện bài kiểm tra môn Lịch sử do thầy Nguyễn Viết Đăng Du phụ trách. Ảnh: NTCC 

Tương tự, thầy Nguyễn Đức Uy, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1, TPHCM) cũng cho học sinh tìm hiểu, cảm nhận tác phẩm Cô bé bán diêm qua việc vẽ tranh. Theo đó, học sinh lớp 8A8 và 8A2 của trường cùng tìm hiểu, đọc kỹ tác phẩm và chia sẻ những cảm nhận của mình thông qua những bức tranh. 

Mỗi lớp được chia thành 6 nhóm, các em cùng tranh hóa tác phẩm văn học, phân tích ý nghĩa, bài học qua việc thuyết trình trước lớp và giải đáp câu hỏi của các nhóm. 

Thầy Uy chia sẻ: Các em đã mang đến những bức tranh rất đẹp, lột tả được chi tiết hay trong tác phẩm. Mỗi sản phẩm, qua cách thuyết trình cũng như giải đáp câu hỏi mà nhóm bạn đặt ra cho thấy học sinh đã đọc kỹ và rất yêu thích tác phẩm. Giáo viên từ đó có những đánh giá về cá nhân, nhóm, kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm, nắm được sở trường của học sinh… 

Giáo viên chủ động 

Là một trong những giáo viên tiên phong trong đổi mới dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá HS trong nhiều năm qua, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) cho biết: Đa dạng hóa hình thức kiểm tra thể hiện xu hướng khách quan và tất yếu. Để làm tốt điều này, giáo viên phải chủ động, đánh giá học sinh bằng năng lực chứ không còn là kiến thức máy móc.

Đơn cử, đầu năm học 2020 - 2021, thầy Đăng Du cho học sinh khối 10 thực hiện sơ đồ tư duy về xã hội nguyên thủy theo nhóm để lấy điểm kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, học sinh tham gia dự án liên môn ở khu Đại Nam (Bình Dương) để lấy điểm kiểm tra định kỳ

Sản phẩm của học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Văn Ơn với yêu cầu cảm nhận tác phẩm “Cô bé bán diêm” qua tranh vẽ. Ảnh: NTCC
Sản phẩm của học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Văn Ơn với yêu cầu cảm nhận tác phẩm “Cô bé bán diêm” qua tranh vẽ. Ảnh: NTCC

Với khối 11, học sinh làm sơ đồ tư duy về Cải cách Minh trị để cho điểm kiểm tra thường xuyên và tham gia dự án SaiGon by bus để lấy điểm kiểm tra định kỳ. Riêng với khối 12, các em theo ban Tự nhiên, thầy Đăng Du yêu cầu học sinh giới thiệu một bộ phim về chiến tranh (trong chủ đề Chiến tranh Lạnh) để lấy điểm kiểm tra thường xuyên. Song song với đó, khuyến khích các em tham gia dự án SaiGon by bus để cho kiểm tra định kỳ. Với học sinh theo ban Xã hội, các em làm bài kiểm tra trên Google form.

Thầy Du cho rằng: Nếu chỉ yêu cầu các em… viết ra giấy, chủ yếu kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức. Nhưng trên thực tế ở mỗi môn học, mỗi em có thể tiếp thu lượng kiến thức khác nhau, không phải em nào cũng có khả năng ghi nhớ tốt. Chính vì vậy, đổi mới, đa dạng các hình thức kiểm tra là một yêu cầu tất yếu, song hành với đổi mới dạy học nhằm hướng đến sự phát triển về năng lực, phẩm chất người học. 

Từ những năm học trước, Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu các nhà trường thực hiện đa dạng hóa hình thức các bài kiểm tra. Cụ thể, thực hiện đánh giá thường xuyên với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau như đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập. Giáo viên có thể đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập, có thể  sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.

Với tôi, cách kiểm tra mới này như một lời động viên rằng, hãy học tập và biến đổi những kiến thức thầy đã dạy thành điều mà các con mong muốn. - Thầy Nguyễn Viết Đăng Du

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ