Với nhiều học sinh, dường như kiến thức được cung cấp trên lớp chưa đủ giúp các em tìm được hướng đi đúng trước những đề thi đổi mới.
Bối rối với đề thi Toán
Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM, em Dương Khôi Nhi - học sinh một trường THCS ở Quận 1 cho rằng, đề thi môn Toán lớp 10 năm nay khá khó. Đề có 8 câu hỏi nhưng mỗi câu bao gồm nhiều câu hỏi nhỏ bên trong, giải quyết từng câu hỏi nhỏ tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt ở phần hình học và hình học không gian. Các câu hỏi về biểu thức, phương trình cũng không dễ lấy điểm.
Theo Khôi Nhi, toán thực tế thiên về “đánh đố” nên khi làm bài, thí sinh dễ làm sai nếu không đọc kỹ câu hỏi. Để chuẩn bị cho dạng này, em không chỉ luyện đề mà còn xem bài giảng trên YouTube, theo dõi chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” cũng như làm nhiều bài kiểm tra về IQ. “Trong quá trình học tại trường, chúng em được thầy cô dạy theo chương trình và có bài nâng cao, mở rộng, có cả toán thực tế vận dụng. Tuy nhiên dạng bài toán thực tế năm nay thì chưa từng làm qua nên khi đọc đề em không thể làm hết”, Khôi Nhi chia sẻ.
Chuẩn bị cho kỳ thi vào 10, ngoài giờ học trên trường, em Ngô Hải Minh - học sinh một trường THCS tại quận Tân Bình học thêm 3 buổi/tuần ở trung tâm. Ngoài ra, em dành thời gian tự giải đề ở nhà và hỏi thầy cô những câu khó. “Trước kỳ thi, em thử làm đề thi các năm trước, tự chấm được 9 điểm môn Toán. Tuy nhiên, sau kỳ thi năm nay, khi xem đáp án, em nghĩ mình được 7 điểm. Bởi, kiến thức đề đa số em chưa được ôn trên lớp”, Hải Minh chia sẻ.
Theo một giáo viên tại TPHCM, hiện nhiều học sinh quen cách học ghi nhớ công thức, áp dụng hơi rập khuôn để giải các dạng bài. Kiến thức liên môn, mô hình thực tế cùng các kỹ năng phân tích, vận dụng, giải quyết vấn đề còn hạn chế. Do vậy, dù vẫn sử dụng kiến thức đã học để giải nhưng khi sử dụng ngữ liệu khác, bài toán lại trở thành vấn đề khó với nhiều em. Đó có thể là một trong những lý do khiến đa phần học sinh sợ môn Toán, ngại toán có yếu tố thực tế.
Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, khoảng 10 năm nay, đề thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM có tăng thêm về mức độ vận dụng kiến thức của đời sống để giải quyết trong đề thi. Trước khi kỳ thi vào lớp 10 diễn ra, hội đồng ra đề thi đã xây dựng ma trận đề với các mức độ hiểu biết, vận dụng và vận dụng cao. Các em phải lựa chọn kiến thức toán đã học để áp dụng giải quyết các vấn đề đặt ra trong câu hỏi.
“Khi đã hoàn tất Chương trình GDPT 2006 và bước sang Chương trình GDPT 2018, yêu cầu với học sinh là giải quyết năng lực và phẩm chất, không còn giải quyết kiến thức. Do đó, người học phải có năng lực đọc hiểu để suy luận, tư duy vấn đề”, ông Hồ Tấn Minh chia sẻ.
Đề đổi mới, học sinh đuối
Nhiều giáo viên môn Toán cấp THCS đánh giá đề thi của TPHCM hay, phá bỏ khuôn mẫu “ra đề thi trên giấy”, yêu cầu học sinh phải có năng lực tư duy, giải quyết vấn đề thực tế. Thầy D.M.T., công tác tại một trung tâm Toán tại TPHCM cho rằng: “Cấu trúc đề thi Toán năm nay hướng đến đánh giá năng lực toàn diện người học, có tính thời sự và tiệm cận với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đề bài dài nhưng khá hợp lý. Đề thi đảm bảo về cấu trúc và độ khó của câu hỏi, phù hợp với thực tế học tập của thí sinh và có độ phân hóa tốt”.
Theo thầy T., việc đưa yếu tố thực tế vào trong đề thi được thành phố thực hiện nhiều năm nay. TPHCM đã mạnh dạn đổi mới cách thức ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 khi đưa yếu tố thực tế vào đề thi, chú trọng đến khả năng học sinh vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề. Việc này đã tác động đến cách dạy và học của giáo viên, học sinh.
Thay vì chỉ dạy học thuần túy theo kiểu làm thật nhiều để có thể quen thuộc dạng, bài toán, thầy cô buộc phải chuyển sang dạy giúp học sinh có khả năng đọc phân tích đề bài, hiểu và vận dụng kiến thức linh hoạt để giải quyết vấn đề toán học và thực tiễn. “Đặc biệt, sự tiên phong đổi mới này phù hợp với mục tiêu Chương trình GDPT 2018, dạy học hướng đến phát triển phẩm chất năng lực học sinh thay vì dạy học truyền thụ kiến thức, do đó giúp TPHCM ít nhiều có thuận lợi khi triển khai chương trình mới”, thầy T. cho hay.
Đồng tình với sự cần thiết khi đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Toán những năm qua, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) đồng thời nhìn nhận, dường như học sinh không theo kịp đổi mới trong kiểm tra đánh giá. Bằng chứng là năm nay, kỳ thi có nhiều giọt nước mắt.
“Chúng ta không thể đổ thừa cho học sinh, thầy cô dạy cấp THCS. Đề thi Toán của TPHCM năm nay ra theo khuynh hướng ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên do trong trường THCS không dạy nhiều về dạng bài tập này nên một số em không làm được bài”.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm tiếp theo nên có bố cục từ câu dễ đến khó, tạo tâm lý thoải mái cho quá trình làm bài của thí sinh. Thầy Phú cũng đề xuất, TPHCM và các địa phương cần công bố cấu trúc đề thi từ đầu năm học, giống như Bộ GD&ĐT đưa ra đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, nhằm cung cấp nguồn tư liệu để các trường chủ động dạy và ôn tập cho học sinh.