Mô hình trường tiên tiến khác trường chuyên
Nhiều năm trước, Nghệ An đã có chủ trương xây dựng đề án trường trọng điểm, chất lượng cao. Đến nay, để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, tỉnh không xây dựng đề án mà chỉ triển khai thí điểm ở 5 trường THPT và 9 trường THCS. Trong đó, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trường THPT DTNT do tỉnh chỉ định.
Theo GS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, việc thí điểm xây dựng trường trung học trở thành một số trường trọng điểm chất lượng cao nhằm mục đích xây dựng mô hình tiên tiến, hiện đại và hội nhập. Đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và xã hội, tiếp cận được với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế, bảo đảm bản sắc dân tộc. Các trường được lựa chọn thí điểm sẽ là trường nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện thành công đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cũng khẳng định: “Trường trọng điểm chất lượng cao là mô hình trường tiên tiến khác với mô hình trường chuyên lớp chọn. Ở mô hình này, học sinh sẽ được giáo dục toàn diện, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Còn các trường chuyên chủ yếu dạy học sinh giỏi 1 môn chuyên”.
Trước đó, xung quanh việc góp ý cho kế hoạch thí điểm xây dựng trường trọng điểm, chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Lan, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cũng cho rằng: Các trường đang dự kiến thí điểm hầu hết đều là trường điểm hoặc nằm tốp đầu chất lượng của huyện. Vì thế, khi đã xây dựng trường trọng điểm thì chúng ta cần phải sát với các văn bản hiện hành, tránh tình trạng đi sai với quan điểm, chỉ đạo của Nhà nước... Nếu xây dựng trường trọng điểm, chất lượng cao thì phải xem xét trên bình diện chung để bảo đảm sự đầu tư công bằng, tránh tình trạng phân biệt giữa trường này với trường khác trong cùng một hệ thống giáo dục.
- Nghệ An dự kiến trong thời gian đầu từ năm 2020 - 2025 sẽ thực hiện thí điểm tại 14 trường gồm: THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT DTNT tỉnh, THPT Quỳ Hợp, THPT Nguyễn Duy Trinh, THPT Đô Lương, THCS là THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh), THCS Cao Xuân Huy (Diễn Châu), THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu), THCS Bạch Liêu (Yên Thành), THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương), THCS Tôn Quang Phiệt (Thanh Chương), THCS Anh Sơn (Anh Sơn), THCS Nguyễn Trãi (Tân Kỳ), THCS Hòa Hiếu 2 (TX Thái Hòa).
Thông báo số 1308 – TB/TU ngày 24/10/2018 của Tỉnh ủy Nghệ An cũng chỉ rõ: Việc thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao cần tập trung vào các vấn đề: Cơ chế thu hút và xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, lựa chọn chương trình dạy học phù hợp, hiệu quả; phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục, giảng dạy, học tập.
Cần sự đầu tư và có cơ chế riêng
Về tiêu chí khung chương trình học cũng như đánh giá người học tại trường trọng điểm bao gồm kiến thức, kỹ năng theo chuẩn của Bộ GD&ĐT và mức nâng cao. Theo bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh: Làm được điều này bên cạnh tăng cường cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ giáo viên chất lượng thì cần tăng thời gian học chính khóa tại trường lên 2 buổi và quản lý học sinh cả ngày. Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh đề xuất các trường trọng điểm nên tổ chức bán trú. Như vậy, vừa bảo đảm về gian học đáp ứng yêu cầu kiến thức, kỹ năng vừa bảo đảm sức khỏe, sinh hoạt cho các em học sinh.
Thực tế, mô hình trường trọng điểm, chất lượng không lạ, nhất là với bậc THCS đã từng có giai đoạn triển khai trường năng khiếu tại các huyện, thành, thị. Lãnh đạo các địa phương có trường được chọn cũng khẳng định, đây là điều thuận lợi và cũng là cơ hội lớn mà các trường được chọn cần nắm lấy. Ông Hồ Ngọc Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nêu quan điểm: “Địa phương hoàn toàn ủng hộ, và sẽ có sự đầu tư cho trường chất lượng cao tại địa bàn. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần đặt ra như: Cơ chế tuyển sinh giao nên tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường để có chất lượng đầu vào; Cơ chế luân chuyển, điều chuyển thu hút giáo viên giỏi và hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ…”.
Nhiều năm nay, huyện Đô Lương đã xây dựng đề án riêng để phát triển Trường THCS Lý Nhật Quang – ngôi trường có bề dày chất lượng dạy học. Nhưng quá trình thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Cô Nguyễn Thị Hồng Kiên - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cơ sở vật chất chuyển biến chậm, chưa đầu tư đúng mức. Chưa có cơ chế khuyến khích, động viên hấp dẫn đối với đội ngũ giáo viên. Bởi các thầy cô dạy ở trường trọng điểm chịu áp lực, trách nhiệm rất lớn trước phụ huynh, học sinh và nhà trường. Trong khi chế độ cũng cơ bản như các giáo viên trường khác”.
Tiếp nhận những đề xuất này, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Về phía ngành, nhiệm vụ chính là phải tham mưu và xây dựng được mô hình hiệu quả, chất lượng và đúng mục tiêu đã đặt ra. Hơn thế, phải nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các ban, ngành, của nhân dân, bảo đảm “tạo cơ hội bình đẳng về thụ hưởng dịch vụ giáo dục chất lượng cao” cho tất cả người học.
Về kế hoạch thí điểm trường trung học trọng điểm, chất lượng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Thái Thanh Quý đã đề nghị Sở GD&ĐT tiếp thu thêm ý kiến của các ban, ngành để hoàn thiện kế hoạch, đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo viên và quan tâm đến đầu ra của học sinh. Ông Thái Thanh Quý cũng đồng tình với việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai Kế hoạch xây dựng trường trọng điểm, chất lượng cao. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo phải chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch, có lộ trình kiểm tra đánh giá thường xuyên từ nay đến năm 2025.
Trường trọng điểm sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến các trường khác
Thầy giáo Đậu Văn Mùi (Hiệu trưởng Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng) TP Vinh, Nghệ An chia sẻ: Mô hình trường trọng điểm, chất lượng cao là một xu thế tất yếu khi thực hiện đổi mới GD-ĐT. Mô hình này rất tốt và khả thi. Không chỉ với những trường được chọn làm thí điểm, mà còn có tác dụng hiệu triệu, lan tỏa mạnh mẽ. Khi những tiêu chí trường trọng điểm, chất lượng cao được đưa ra, các trường phổ thông khác cũng sẽ dựa vào tình hình, đặc điểm cụ thể mình để lựa chọn đưa vào áp dụng các nhân tố phù hợp và tôi tin rằng sẽ thành công.
Trường trọng điểm hướng đến thay đổi sản phẩm giáo dục là người học với những năng lực, phẩm chất, kỹ năng đáp ứng yêu cầu xã hội. Theo thầy Đậu Văn Mùi, đi cùng với đó, không thể dùng cách đánh giá học sinh cũ đối với trường chất lượng cao. Đánh giá học sinh không nằm trong sự so sánh với người khác, mà ở sự tiến bộ hơn so với chính mình. Nguyên là Hiệu trưởng THPT chuyên Phan Bội Châu, với kinh nghiệm lâu năm công tác và quản lý trường chuyên, thầy Mùi cho rằng: Thành công của một nhà trường, không chỉ là thành tích mà học sinh đạt được khi đang học tại trường, mà còn là thành công của các em trên các lĩnh vực sau khi tốt nghiệp, vào đời.