Chất lượng đào tạo tỉ lệ thuận với chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý
TS Trần Văn Trung, Trưởng phòng Khoa học, Trường ĐH Thủ Dầu Một cho rằng: Đội ngũ cán bộ QLGD các cấp là lực lượng trực tiếp làm nên chất lượng GD-ĐT. Xét trên cả 2 phương diện lý luận và thực tiễn, chất lượng đào tạo luôn là đại lượng tỉ lệ thuận với chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý GD. Vấn đề cốt lõi trong việc đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD là phát triển năng lực tư duy, sáng tạo và năng lực thực hành cho đội ngũ CBQLGD.
TS Trần Văn Trung cũng cho biết, ông cùng với nhóm nghiên cứu đã khảo sát 156 cán bộ quản lý là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó, khối trưởng của 74 trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, kết quả cho thấy, ở cả 17 tiêu chí về năng lực, phẩm chất, uy tín… đều được GV đánh giá ở mức trung bình (từ 3,98 - 4,42 điểm), có nghĩa các CBQL đều có năng lực, phẩm chất và uy tín tốt đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, phân tích tỉ lệ lựa chọn các mức độ đánh giá, có thể thấy, tất cả các yêu cầu về mặt năng lực, phẩm chất hay uy tín đều còn tồn tại một tỉ lệ nhất định CBQLGD mới chỉ được đánh giá ở mức độ “yếu” đến “trung bình” (từ 1% - 3%). Mặc dù tỉ lệ này không cao, nhưng công tác QLGD cần độ chính xác, minh bạch, hơn nữa lại là công việc khá “nhạy cảm”, vì có thể liên quan đến nhiều lĩnh vực công tác khác nhau như tổ chức, cán bộ, khen thưởng thi đua…
Từ những kết quả nghiên cứu, TS Trần Văn Trung cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý GD các cấp, nhất là quản lý nhà trường phổ thông, cần phải bồi dưỡng cán bộ quản lý GD theo hướng phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực thực tế, kỹ năng thực hành…
Ảnh minh họa |
Bồi dưỡng thông qua thực hành
Để nâng cao chất lượng đội ngũ, TS Trần Văn Trung cho biết, các cấp quản lý cần xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển đội ngũ CBQL nhà trường theo hướng năng lực thực tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và lâu dài. Bởi chính những CBQLGD có năng lực làm việc thực tế mới có khả năng tổ chức, điều hành mọi hoạt động của nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp quản lý giáo dục thường xuyên và định kỳ hằng năm, trong đó chú trọng phương pháp bồi dưỡng thông qua thực hành, thực tế, giúp cho GV vận dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt các phương pháp dạy học, phương pháp quản lý GD nhằm hình thành năng lực thực hiện cho HS.
TheoTS Trần Văn Trung, thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ CBQL nhà trường phổ thông cần tiến hành kiểm tra, đánh giá để sàng lọc đội ngũ CBQLGD ở nhà trường qua từng năm học nhằm thực hiện quy chế mở của Bộ GD&ĐT. Việc sàng lọc ấy phải được tiến hành bài bản, khách quan, khoa học và đảm bảo sự kiên quyết trong việc thực hiện. Có như vậy thì đội ngũ QLGD ở nhà trường mới luôn luôn có ý thức phấn đấu vươn lên để khỏi bị đào thải, mới đủ sức đáp ứng yêu cầu cao của sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước.
Với các trường sư phạm, cần phải đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường năng lực thực tế, thực hành sư phạm. Điều này sẽ tạo ra đội ngũ GV có năng lực thực hành thực sự, làm cơ sở ban đầu cho việc lựa chọn, tuyển chọn đội ngũ CBQL.
Đánh giá cán bộ theo chuẩn
TS Trần Văn Trung nhận định: “Năng lực của CBQLGD là nhân tố quan trọng bậc nhất góp phần đổi mới phát triển GD, năng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực”. Thực tiễn GD đòi hỏi người CBQLGD được đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngay trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng và liên tục trong hoạt động nghề nghiệp. Để nâng cao năng lực CBQLGD, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng cần đánh giá cán bộ theo chuẩn gắn với việc thực hiện đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy học.
Chế độ, chính sách đảm bảo, hợp lý có tác dụng là động lực thúc đẩy tính tích cực, tài năng sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ CBQLGD. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến chất lượng cán bộ QLGD.