Vì thế càng đòi hỏi hoạt động này trong các trường phải đổi mới để góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục.
Chuyển biến nhưng chưa đầu tư đúng nghĩa
Thực tế cho thấy, hoạt động ngoài giờ lên lớp ở các trường phổ thông trong những năm qua đã có nhiều sự chuyển biến rõ nét, được các trường quan tâm và có các giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.
Đặc biệt, từ khi Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì việc đầu tư cho hoạt động ngoài giờ lên lớp càng gắn với cộng đồng và được chú trọng nhiều hơn.
Điểm nhấn của hoạt động ngoài giờ lên lớp trong thời gian qua đã được khẳng định bằng chính các nội dung đã làm chuyển biến tích cực các hoạt động phong trào, cũng như hoạt động giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng học tập.
Cảnh quan trường học xanh sạch đẹp đã trở nên phổ biến, không chỉ tập trung vào một số trường điểm, trường chất lượng cao, trường vùng thuận lợi; và cũng chính từ hiệu ứng này mà số trường đạt chuẩn quốc gia đã tăng lên đáng kể.
Quan trọng hơn, môi trường tinh thần trong giáo dục cũng đã có những chuyển biến hết sức tích cực, thể hiện trong các mối quan hệ trong nhà trường và giữa nhà trường với cộng đồng dân cư và chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là, nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp ở một số nơi vẫn còn nhiều bất cập; việc định hướng nội dung, hình thức về hoạt động ngoài giờ lên lớp ở một số trường chưa có sự sáng tạo; chương trình còn đơn điệu, cứng nhắc; vẫn còn cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên chưa thực sự quan tâm hoặc chưa có biện pháp cụ thể cho hoạt động ngoài giờ lên lớp, dẫn đến nhận thức không đầy đủ về hoạt động ngoài giờ lên lớp của giáo viên và học sinh.
Có trường cho đây là hoạt động vui chơi nên không quan trọng, không cần thiết và dành cho giáo viên thời gian của hoạt động ngoài giờ lên lớp để giải quyết các phần việc cho các môn học chính khóa…
Có thể nói, hoạt động ngoài giờ lên lớp vẫn chưa phát huy được hết ý nghĩa thực chất của nó đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chưa thực sự được các cấp quản lý và giáo viên đầu tư đúng nghĩa.
Mỗi trường cần xây dựng nội dung phù hợp
Mỗi chúng ta đều biết rằng, quá trình sư phạm tổng thể là một quá trình toàn diện thống nhất. Trong đó, ngoài việc truyền thụ cho học sinh những tri thức khoa học một cách có hệ thống còn phải hình thành cho học sinh ý thức, hành vi, kỹ năng hoạt động, cách ứng xử trong các quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho các em bổ sung và hoàn thiện những tri thức đã học trên lớp…
Vì vậy, quá trình này không chỉ thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục trên lớp mà còn qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Đó là quá trình kết hợp vai trò chủ đạo của giáo viên với sự tự giác tích cực, tự rèn luyện của học sinh nhằm hình thành ý thức, tính cách và chủ yếu là hành vi thói quen đạo đức với các chuẩn mực xã hội quy định.
Nhân cách học sinh được hình thành qua hai con đường cơ bản: Con đường dạy học trên lớp và con đường hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là một hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường.
Chính từ những hoạt động như: Lao động, sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội đã góp phần rất lớn trong việc hình thành nhân cách của học sinh. Giúp các em biết tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn thiện mình.
Hay nói một cách khác, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp chính là xây dựng cho các em có mối quan hệ phong phú, đa dạng, một cách có mục đích, có kế hoạch có nội dung và phương pháp nhất định, gắn giáo dục với cộng đồng, tạo sự thân thiện trong mọi tình huống; biến các nhu cầu khách quan của xã hội thành những nhu cầu của bản thân học sinh.
Vì thế để hoạt động ngoài giờ lên lớp trong các trường phổ thông thực sự đạt được những kết quả, rõ ràng cùng với việc phải quán triệt thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về các hoạt động ngoài giờ lên lớp, mỗi trường cần đổi mới nội dung, chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp, xây dựng kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp xuyên suốt năm học, cụ thể, có mục đích rõ ràng với từng hoạt động, thể hiện rõ kế hoạch thời gian.
Đi cùng là việc xây dựng nội dung phù hợp để tổ chức các hoạt động tập thể lớn nhằm bổ trợ cho hoạt động ngoài giờ lên lớp; đầu tư kinh phí thích đáng cho hoạt động ngoài giờ lên lớp để khuyến khích động viên tính tích cực của giáo viên, học sinh tích cực tham gia hoạt động này.
Bên cạnh đó cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với hoạt động ngoài giờ lên lớp; tuyên truyền kịp thời với cha mẹ học sinh về tác dụng, tầm quan trọng của hoạt động ngoài giờ lên lớp để cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho con em tham gia các hoạt động tập thể lớn.