Đổi mới giáo dục không phải chỉ ở trên giảng đường, lớp học

GD&TĐ - Đây là khẳng định của PGS.TS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) - khi chia sẻ kinh nghiệm tâm huyết trong triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 của nhà trường.

Đổi mới giáo dục không phải chỉ ở trên giảng đường, lớp học

- Có không ít người bày tỏ nghi ngờ về kết quả của Đề án Ngoại ngữ 2020, thậm chí cho rằng, Đề án này khó có thể cán đích. Thầy nghĩ sao về những ý kiến này?

Ngày nay, ở nước ta, khi nói đến bất cứ điều gì cần làm, cần cải cách câu cửa miệng của không ít người là chê bôi, phản bác và không biết bao nhiêu lý lẽ được mang ra để chứng minh rằng không thể làm được, sau đó là những lời đại loại “lấy đâu ra tiền mà làm”, “tiền ít thế thì làm được gì”, “Hoa Kỳ và Châu Âu khác ta làm sao có thể áp dụng vào nước ta được”. Đặc biệt, khi những việc cần làm, cần cải cách lại ảnh hưởng trực tiếp đến những người đó thì họ tìm cách chống lại.

Có một điều quan trọng nhất đó là nhân cách của những người phản bác, chê bôi đó là thế nào và người đó đã làm được gì thật sự cho tập thể, sự nghiệp và đất nước chưa, thì hầu như chẳng ai mấy quan tâm.

PGS.TS Phan Quang Thế 

Chủ nghĩa cá nhân với tư tưởng “ai cũng như ai cả thôi” đã tạo ra môi trường để cái tôi phát triển và làm cho “công bằng xã hội” khó mà trở thành hiện thực.

Đấu tranh vì một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” dần bị thủ tiêu và thay vào đó là “sự thỏa hiệp” để bằng mọi giá đạt được mục tiêu cá nhân. Đất nước vì thế “phát triển chưa xứng với tiềm năng” cũng là lẽ thường tình.

Hiện nay, có nhiều quan điểm đánh giá không hay về GD&ĐT cũng như Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, nhưng nếu không thấy con đường đầy chông gai mà xã hội đang tạo ra cho đổi mới giáo dục và đào tạo thì việc đánh giá như thế là quá phiến diện.

Xin đưa ra ví dụ, sau hơn bốn năm triển khai đổi mới nhà trường toàn diện, theo quan điểm và đường lối của Đảng tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên, nhà trường đã đạt được những thắng lợi mang tính đột phá trong lịch sử 50 năm phát triển.

Sinh viên của trường đa số từ các tỉnh miền núi phía Bắc với điểm tuyển sinh đầu vào chỉ từ điểm sàn đến trên điểm sàn vài điểm, thế nhưng họ đã vượt lên để hoàn thành chuẩn tiếng Anh khi tốt nghiệp theo tinh thần của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 một cách bất ngờ. Chỉ trong 1,5 năm đã có gần 2.700 sinh viên của trường đạt chuẩn tiếng Anh Toefl-ITP390 đến Toefl-ITP620 và cứ mỗi tháng, trường lại có thêm gần 200 sinh viên đạt chuẩn.

- Trên thực tế, khó có trường có khả năng để tổ chức các lớp tiếng Anh cho hàng ngàn sinh viên/ học kỳ. Vậy có cách nào hiệu quả để giúp sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh trong điều kiện hiện có của trường mình hay không?

Về điều này, xin chia sẻ những kinh nghiệm đã được Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp rút ra qua quá trình triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Thứ nhất, không phải cứ đặt chuẩn thấp là sẽ có nhiều sinh viên đạt được chuẩn. Thực tế tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, tỷ lệ sinh viên đạt Toefl-ITP450 cao hơn tỷ lệ sinh viên đạt Toefl-ITP390.

Thứ hai, tăng thời lượng lên lớp học tiếng Anh chưa phải giải pháp hữu hiệu bởi vì thực tế khi tăng thời lượng lên gấp đôi, vẫn với các thầy cô giáo tiếng Anh ngày xưa, nay trình độ đã vượt hẳn lên tới Toefl-ITP550 đến 600 dạy mà vẫn không đạt được kết quả mong đợi.

Như câu hỏi của bạn, vấn đề của học tiếng Anh đó là rèn luyện kỹ năng mà kỹ năng thì không bao giờ đủ thời gian để rèn luyện theo kiểu tổ chức các lớp học chính thức của nhà trường.

Việc giúp sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh không chỉ dừng lại ở việc mở và dạy tiếng Anh trên lớp và đúng là nhà trường không thể có khả năng để tổ chức các lớp tiếng Anh cho hàng ngàn sinh viên/ học kỳ. Thực tế chứng tỏ việc học tiếng Anh đạt kết quả chủ yếu là do tự học và học lẫn nhau theo tinh thần “Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945”.

Điều này đã được giảng viên của trường áp dụng trước. Sau khi học xong các lớp tiếng Anh do nhà trường tổ chức mà vẫn chưa đạt yêu cầu, giảng viên đã tự tổ chức các lớp nhỏ tự học và nhờ người giỏi hơn, biết hơn dạy lẫn nhau.

Sinh viên học tập thầy cô nhưng với quy mô lớn hơn trong các câu lạc bộ vài chục em đến hàng trăm em. Sau đó nhờ người giỏi hơn dạy và tự học trong khuôn viên trường vào buổi sáng sớm và buổi chiều sau giờ lên lớp. Tự học và học theo nhóm là chính giúp sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh nhanh và hiệu quả với chi phí thấp.

Để tạo động lực cho sinh viên, nhà trường đã tạo nhiều hướng để sinh viên học tiếng Anh. Sinh viên có thể học 10 tín chỉ tiếng Anh ở Trường và thi Toefl-ITP để được xét tốt nghiệp hoặc có thể học tiếng Anh ở nơi khác hoặc tự học, tự thi Toefl-ITP và nộp điểm cho nhà trường.

Nếu kết quả thi Toefl-ITP đủ cao, điểm thi sẽ được quy đổi sang điểm các học phần tiếng Anh và sử dụng để xét tốt nghiệp. Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội là địa chỉ tin cậy để các em có thể học và tự học cho đến khi đạt chuẩn và chỉ phải nộp học phí một lần.

Nhà trường đã ký kết với Đại diện của Viện khảo thí Hoa Kỳ tại Việt Nam, IIG, lên tổ chức thi Toefl-ITP cho giảng viên, sinh viên tại trường ít nhất 1 lần/ tháng.

Quan điểm học tiếng Anh đi đôi với sử dụng tiếng Anh thông qua xây dựng môi trường tiếng Anh đang được áp dụng rộng rãi làm cho giảng viên và sinh viên bắt buộc phải tiếp cận với việc dùng tiếng Anh trong dạy và học...

Chúng ta không thể cái gì cũng mang lên giảng đường để dạy cho sinh viên mà phải tạo ra môi trường tập thể để sinh viên sinh hoạt, rèn luyện tại ký túc xá, cộng đồng dân cư nơi cư trú, tham gia các hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ ... nhằm giúp các em tránh xa và quên đi các tệ nạn xã hội.

Để sinh viên dành nhiều thời gian hoạt động trong khuôn viên trường thì cơ sở vật chất phải xây dựng để sinh viên có thể ăn, ở, sinh hoạt tại Trường như ký túc xá, nhà tắm nóng lạnh, wifi miễn phí, các khu thể dục, thể thao và đặc biệt là khu liên hợp dịch vụ nơi sinh viên có thể mua các nhu yếu phẩm cần thiết mà không phải ra ngoài khuôn viên trường...

- Thầy vừa nói đến giải pháp tự học và học theo nhóm. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chính là điểm yếu căn bản của sinh viên Việt Nam hiện nay. Vậy có cách nào để những giải pháp đưa ra không là hô hào, hình thức mà phải đi vào thực chất, tạo ra hiệu quả thực sự?

Thắng lợi của việc triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên cho thấy đổi mới GD&ĐT không phải chỉ ở trên giảng đường, lớp học.

Không phải là năng lực làm việc theo nhóm của người Việt Nam quá kém như người ta thường nói; cũng không phải là chúng ta ít tiền nên không làm được; càng không phải là chỉ có các trường đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mới có khả năng đổi mới GD&ĐT.

Tôi cho rằng, phải bằng việc xây dựng cho được môi trường giáo dục tiên tiến trong nhà trường, những việc làm thật không bệnh thành tích theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước trong công việc chung và phải bảo vệ được những con người dám hy sinh cái tôi cho sự nghiệp GD&ĐT của Đảng; và cuối cùng thông qua công cuộc đổi mới thật sự mới dần thay đổi được tư tưởng con người theo hướng thiện.

Tất nhiên, con đường đi đến thành công như thế, không phải êm ả và nhẹ nhàng mà đầy chông gai và những phản ứng quyết liệt của một bộ phận không nhỏ cán bộ viên chức trong nhà trường. Để có được thành công trong triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, thực chất nhà trường phải triển khai đổi mới tất cả các mặt hoạt động một cách nghiêm túc.

Trường đã lựa chọn và chỉ sử dụng chuẩn đánh giá Toefl-ITP, với chuẩn này kết quả theo yêu cầu không thể có được ngoài học thật, thi thật. Khi con người buộc phải làm thật, phân hóa giỏi và yếu kém; chăm chỉ và lười biếng trở nên rõ ràng trong đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức và sinh viên.

- Xin cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ