1. Thay đổi nhận thức của các bậc làm ông bà, cha mẹ về vấn đề giáo dục con cái. Phải phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong mọi thành viên về vấn đề liên quan đến giáo dục trẻ: quá trình thai giáo, cho trẻ ăn, chơi với trẻ, dạy trẻ theo mô hình "kỉ luật không nước mắt".
Việc này phải tổ chức thường xuyên thông qua các cuộc họp phụ nữ, họp tổ dân phố, khối phố, tại các trung tâm giáo dục cộng đồng. Xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp cơ sở.
2. Đổi mới công tác giáo dục bậc mầm non. Đổi mới từ cách chăm sóc trẻ, chương trình giáo dục mầm non để các em được chơi cùng nhau, được dã ngoại thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để tạo được một môi trường giáo dục thống nhất. Làm tốt công tác tư vấn phụ huynh.
3. Đổi mới công tác giáo dục phổ thông gắn liền với đổi mới phương pháp và chương trình dạy học. Coi trọng vấn đề phối hợp với phụ huynh và công tác tư vấn cho phụ huynh.
Ở các bậc học phổ thông, Nhà nước đã có sự đầu tư rất nhiều để đổi mới. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp đẩy mạnh hiệu quả sự giáo dục gia đình và giáo dục mầm non thì học sinh vào cấp tiểu học rất vất vả để học theo mô hình lớp học Việt Nam mới.
Giáo viên khó mà dạy hiệu quả theo mô hình đó khi các em thiếu kĩ năng hợp tác, đặt câu hỏi, tự chủ trong học tập... mọi thứ sẽ lại mang tính hình thức đối phó.
Thử hỏi một đứa trẻ bị áp đặt ngay từ bé, thiếu môi trường để vận động, vui chơi, thiếu những kĩ năng sơ đẳng ban đầu do phương pháp giáo dục sai từ gia đình, rồi đến mầm non, làm sao có thể theo được cách học tự chủ, tự nghiên cứu?
Để công cuộc đổi mới thành công thực sự, rất mong các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu và có những biện pháp phối hợp đồng bộ, hiệu quả để toàn dân cùng vào cuộc chung lo công tác giáo dục. Thế mới là xã hội hóa giáo dục đúng nghĩa.