Nghị quyết 88 của Quốc hội khẳng định, đổi mới Chương trình, SGK GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, góp phần chuyển biến nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền GD phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của người học.
Để thực hiện được mục tiêu trên, không ai khác, giáo viên chính là nhân tố quan trọng. Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chương trình GDPT mới có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên. Trên tinh thần ấy, ngành GD rất chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên. Ngay trong ngày 9/1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quy mô toàn quốc, nhằm triển khai đến tất cả 63 tỉnh, thành về việc thực hiện Chương trình GDPT mới. Từ đó lan tỏa tinh thần đổi mới, những việc cần làm đến tất cả giáo viên trên từng địa bàn. Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Kế hoạch chi tiết các hoạt động bồi dưỡng giáo viên cơ sở GDPT thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới.
Triển khai, quán triệt hay các văn bản hướng dẫn có tính chất định hướng, làm kim chỉ nam cho các giáo viên thực hiện. Điều quan trọng là giáo viên cần chủ động đổi mới từ duy nhận thức cho đến hành động, mà trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy - học.
SGK là phương án cụ thể hóa chương trình môn học, không phải là văn bản quy phạm pháp luật như chương trình. Do đó, giáo viên cần căn cứ vào chương trình và gợi ý của SGK để triển khai các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng HS và điều kiện cụ thể của nhà trường.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý địa phương và cơ sở GD cần tôn trọng và khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của giáo viên trên cơ sở quy định của chương trình. Không yêu cầu giáo viên phải truyền đạt từng ý, từng câu chữ trong SGK.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý GD địa phương và các cơ sở GD cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn; nâng cao kiến thức chuyên môn, nắm vững chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động GD cho giáo viên. Đồng thời, xây dựng nền nếp dạy học, bám sát yêu cầu của chương trình. Từ đó khắc phục thói quen của giáo viên là chỉ chú ý đến SGK mà không chú ý đến các yêu cầu cần đạt trong chương trình.
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường các hoạt động bồi dưỡng giáo viên trên cơ sở căn cứ vào lộ trình triển khai áp dụng Chương trình GDPT mới. Theo đó cần xác định đối tượng, số lượng giáo viên cần bồi dưỡng theo từng năm và đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo các nội dung cần thiết.
Bên cạnh yếu tố có tính chất quyết định đến thành công của Chương trình GDPT mới là giáo viên thì rất cần các điều kiện cần thiết khác như: trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất nhà trường... Thiết nghĩ để làm được việc này cần sự chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Có như vậy Chương trình GDPT mới thực sự phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra.