Đổi mới để khẳng định vị thế

GD&TĐ - Trong bối cảnh toàn ngành dồn sức hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Rà soát quy mô mạng lưới trường lớp, sắp xếp lại bộ máy, tăng cường tự chủ, tinh giản biên chế đặt ra yêu cầu mới đối với tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền - lợi ích cũng như chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên.

Đổi mới để khẳng định vị thế

Yêu cầu tất yếu

Đổi mới hoạt động để đáp ứng yêu cầu, khẳng định vị thế là nhiệm vụ tất yếu với tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam xác định tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn giáo dục các cấp để tập hợp đông đảo người lao động tham gia tổ chức công đoàn; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhà giáo và người lao động; bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo, nghề giáo; tăng cường phát triển lợi ích của đoàn viên công đoàn; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động, kỹ năng ứng xử, đạo đức, phong cách nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện.

Để thực hiện được mục tiêu trên, lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam xác định, đổi mới trước tiên là đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn. Đội ngũ này cần có sự đổi mới trong tư duy, hành động. Bởi vậy, việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều buổi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật tình hình thế giới, trong nước để cán bộ công đoàn hiểu, chủ động thay đổi tư duy, hành động của mình trong công việc.

Sát cánh với công đoàn cơ sở

Mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn các trường đại học ngoài công lập và Tập huấn nghiệp vụ công tác tài chính cho cán bộ công đoàn.

Với sự dẫn dắt của Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - TS Vũ Minh Đức, đại diện tổ chức công đoàn các trường ĐH ngoài công lập đã thẳng thắn trao đổi, đề xuất chính sách về vai trò của công đoàn trong việc tham gia quản lý, xây dựng và phát triển nhà trường; công tác tài chính công đoàn; việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các trường ngoài công lập.

Tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), công đoàn nhà trường đã thực hiện nhiều đổi mới trong tổ chức các hoạt động phong trào. Theo đó, các công đoàn bộ phận sẽ được phân quyền tự chủ tổ chức các phong trào thể thao, văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí cho công đoàn viên. Nhờ đó, cán bộ công đoàn cấp bộ phận được thể hiện hết khả năng tổ chức hoạt động, nâng cao được kỹ năng trong công tác công đoàn; hoạt động thể thao trở thành hoạt động thường xuyên trong trường nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Nguồn lực tham gia hoạt động được huy động tối đa...

 Tổ chức công đoàn trong các trường đại học ngoài công lập có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động; đồng hành cùng chuyên môn xây dựng và phát triển nhà trường. Do vậy, cán bộ công đoàn trong các nhà trường phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, có các hoạt động thiết thực khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ với chuyên môn thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường…
Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ