Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Hôm nay (27/12), Khoa Giáo dục Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức Hội thảo Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam.

Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam

Với hơn 22 báo cáo của các đại biểu, Hội thảo xoay quanh 2 vấn đề lớn: Vai trò, năng lực của GV và đổi mới chương trình đào tạo; Chính sách, quản lý và đổi mới mô hình đào tạo GV.

Hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia giáo dục đến từ Viện Nghiên cứu GD Việt Nam, Viện Nghiên cứu GD TPHCM, Viện Sư phạm KT-Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng,…, các giảng viên và sinh viên của trường ĐH KHXH & NV TPHCM.

Mở đầu Hội thảo, TS Ngô Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV TPHCM nhấn mạnh việc giáo dục cũng cần có những thay đổi nhất định, trong đó vị trí và chức năng của của người thầy cũng có những yếu tố mới.

“Có thể nói vị trí của người thầy rất quan trọng. Người thầy quyết định yếu tố chất lượng và hiệu quả GD. Người thầy không chỉ là người cung cấp kiến thức mà quan trọng hơn là người truyền lửa đam mê sáng tạo, khơi dậy những tài năng, gieo mầm các giá trị đạo đức của XH cho các thế hệ tương lai" - TS Phương Lan phát biểu.

PGS,TS Ngô Minh Oanh - Viện Nghiên cứu GD, Trường ĐH Sư phạm TPHCM-  đã đưa ra những đề xuất về đổi mới đào tạo GV ở nước ta như: Cần tăng thêm thời gian học cho ngành sư phạm, có thể là 5 năm/khóa học; cần cho SV sư phạm tiếp xúc sớm với trường phổ thông ngay từ những năm đầu, như SV trường Y đã được đi đến các bệnh viện thực tập từ năm đầu. 

Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa trường sư phạm và các trường phổ thông về đánh giá quá trình thực tập của các SV. Bên cạnh mô hình đào tạo GV truyền thống ở các trường/khoa sư phạm, cần mở rộng mô hình đào tạo GV theo kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam.

Về chính sách cho các SV sư phạm, GS.TS Nguyễn Lộc - Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam - chia sẻ: Điều kiện tuyển sinh ngành sư phạm ở Việt Nam chưa thu hút được thí sinh có năng lực hàng đầu. Ví dụ như miễn học phí chưa phát huy được hiệu quả. Do đó cần có chính sách ưu tiên hơn nữa cho SV ngành sư phạm.

Về yêu cầu với một người thầy “toàn diện”, TS Vũ Quang Tuyên -Trường ĐH KH TN TPHCM - đưa ra một mô hình rất chi tiết về các yếu tố chính như: Kiến thức chuyên môn, kiến thức sư phạm, khả năng nghiên cứu và thực hành và đặc biệt là phẩm chất của người thầy và sự đam mê với nghề.

Bàn về chuẩn đầu vào của SV ngành sư phạm, giảng viên Cao Văn Quang -Khoa CT Xã hội, Trường ĐH KHXH và NV TPHCM - đặt vấn đề có nên có những chuẩn đầu vào riêng cho ngành sư phạm hay không? Bởi những ngành như Âm nhạc, Hội họa… đều có những môn thi riêng. Ngoài ra, ngay từ năm đầu tiên, cần cho các SV sư phạm biết được ra trường mình sẽ làm gì bằng cách cho các em đến các trường phổ thông thực tế.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp cho các báo cáo, các đại biểu cũng xoay quanh vấn đề đào tạo GV phải đi trước, phải đổi mới, không thể chờ cơ chế này, chính sách kia mới đổi mới. 

Ví dụ như không phải chờ triển khai dạy tích hợp, liên môn thì mới tập huấn mà cần phải trang bị trước cho các GV sẵn sàng dạy học với bất cứ đổi mới nào trong giáo dục. Hay như thời gian tới đây sẽ đổi mới SGK, thì ngay từ bây giờ GV, tức là những SV sư phạm phải được đào tạo làm sao phải thích ứng được điều này.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TPHCM - cho rằng: Những đóng góp trong Hội thảo rất có ý nghĩa để góp phần nâng cao chất lượng GV trong bối cảnh hiện nay và sẽ được ĐHQG TPHCM tổng hợp để gửi lên cấp trên. 

Cũng từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu, TS Nguyễn Quốc Chính khẳng định: Sau buổi hội thảo này, ĐH QG TPHCM sẽ tiến nghiên cứu đề tài về bộ chuẩn đầu ra cho cử nhân sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ